September 07, 2022 | 18:02 GMT+7

Louis Vuitton sắp mở tiếp một nhà hàng chuyên đồ chay ở Seoul

Băng Hảo -

Louis Vuitton đang hợp tác với một cái tên khá bất ngờ trong dự án mới nhất của mình: đầu bếp nổi tiếng Alain Passard - người đứng sau nhà hàng L’Arpège đã giành ba sao Michelin ở Paris…

Bếp trưởng Alain Passard sẽ hợp tác với nhà mốt xa xỉ để mở một nhà hàng pop-up hàng đầu của họ ở Seoul, Hàn Quốc, theo tờ Hypebeast. Bản thân nhà hàng sẽ được mô phỏng theo một vườn rau hữu cơ, với thực đơn chay kết hợp các nguyên liệu tươi ngon theo mùa. “Đó sẽ là một không gian đánh thức hương vị thực sự của mùa thu dựa trên những nguyên liệu tươi ngon với đội ngũ nhân viên đã hóa thân thành những người làm vườn,” bếp trưởng Passard nói.

Thông báo về dự án của Passard được đưa ra sau khi nhà hàng pop-up đầu tiên ở Hàn Quốc của nhà mốt đã khai trương rất thành công hồi đầu tháng 5 vừa qua tại khu phố giàu có Cheongdam-dong, phía nam Seoul. Và giờ đây, tại địa điểm này, khách hàng đến mua sắm sẽ có cơ hội nếm thử thực đơn ăn chay của Passard.

Bếp trưởng Alain Passard là người người đứng sau nhà hàng L’Arpège đã giành ba sao Michelin ở Paris.
Bếp trưởng Alain Passard là người người đứng sau nhà hàng L’Arpège đã giành ba sao Michelin ở Paris.

Passard mua lại nhà hàng L’Arpège vào năm 1986 và giành được ba sao Michelin của mình một thập kỷ sau đó, vào năm 1996. Ông vẫn giữ được vinh dự này kể từ đó, mặc dù đã thay đổi thực đơn khá lớn theo thời gian. Năm 2001, ông là người đầu tiên áp dụng thực đơn không thịt, với các loại rau giữ vai trò trung tâm. Đầu bếp Corey Lee của Benu ba sao Michelin ở San Francisco, đã từng nói với tờ Robb Report: “Thử nghiệm này đã đưa rau vào một vị trí mà trước đây chưa từng có. Thực đơn của chef Passard thực sự mở ra thời kỳ mới khi món ăn ít protein hơn, ít thịt và ít cá hơn đã là trở thành xu hướng toàn cầu".

Louis Vuitton sắp mở tiếp một nhà hàng chuyên đồ chay ở Seoul - Ảnh 1

Nhà hàng pop-up của Passard và Louis Vuitton tại Seoul sẽ mở trong vài tuần tới trên tầng 4 của cửa hàng Louis Vuitton. Nó chắc chắn sẽ là một nhà hàng thời trang mang phong cách organic. Thực đơn sẽ tập trung vào các món ăn chay cao cấp được thiết kế dựa trên các loại rau, thảo mộc và trái cây giàu chất dinh dưỡng được trồng tại nhà hàng. Các nhân viên cũng là những người làm vườn và sẽ có thể chia sẻ kiến thức thân mật về các bữa ăn được phục vụ.

Trước đó, Louis Vuitton đã thử nghiệm lấn sân lĩnh vực F&B theo hướng này. Nhà hàng pop-up đầu tiên trong cửa hàng hàng đầu ở Cheongdam-dong, Nam Seoul đã được thiết kế theo phong cách của Louis Vuitton, với quầy bằng đá cẩm thạch, tường bằng đồng và những bông hoa chữ nổi đặc trưng của thương hiệu trên trần nhà cũng như giá đựng khăn ăn bằng da có hình linh vật của Vivien.

Đứng đầu nhà hàng pop-up đầu tiên là đầu bếp người Pháp lai Hàn Pierre Sang Boyer, người sở hữu 3 nhà hàng ở Paris. “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Louis Vuitton vì đã mời tôi trở thành đầu bếp đầu tiên giám sát nhà hàng pop-up tại Louis Vuitton Maison Seoul. Tôi đã cố gắng thể hiện đặc trưng của cả Hàn Quốc và Pháp trong món ăn của mình khi lần đầu tiên đến với Paris phồi năm 2012. Tôi rất vui được giới thiệu món ăn Pháp của mình với một chút hương vị Hàn Quốc bằng cách sử dụng các nguyên liệu tươi, theo mùa của địa phương”, vị đầu bếp của LV chia sẻ.

Đứng đầu nhà hàng pop-up đầu tiên là đầu bếp người Pháp lai Hàn Pierre Sang Boyer, người sở hữu 3 nhà hàng ở Paris
Đứng đầu nhà hàng pop-up đầu tiên là đầu bếp người Pháp lai Hàn Pierre Sang Boyer, người sở hữu 3 nhà hàng ở Paris

Có thể nói, trải nghiệm ăn uống sang chảnh và thời trang cao cấp hiện đang trở thành xu hướng kết hợp tại Hàn Quốc khi có nhiều thương hiệu xa xỉ đang mở rộng kinh doanh bằng những quán cà phê và quán ăn sang trọng của riêng họ để thu hút thực khách. Nhà mốt Gucci trước đó đã thông báo về việc khai trương nhà hàng Gucci Osteria Seoul tại quận Yongsan, Hàn Quốc.

Ẩn mình trên tầng cao nhất của Gucci Gaok, được biết đây là cửa hàng thứ hai của thương hiệu xa xỉ này tại Hàn Quốc và thứ tư trên thế giới, sau Florence, Los Angeles và Tokyo. Bất chấp mức giá đắt đỏ, nhà hàng Gucci đã tạo ra tiếng vang trong giới ẩm thực Hàn Quốc. Chỉ vài phút sau khi mở hệ thống đặt chỗ trực tuyến, các bàn của nhà hàng đã kín lịch cho đến tận giữa tháng 5.

Giống như các chi nhánh khác, Gucci Osteria Seoul hướng tới việc giới thiệu các món ăn truyền thống của nước Ý kết hợp với nét sáng tạo và cảm hứng từ các công thức và nguyên liệu địa phương. Một số món ăn ở Hàn Quốc như thịt bò, bánh Tortellini với kem Parmigiano Reggiano và salad Seoul Garden, có thể được phục vụ theo kiểu gọi món với giá 26.000 đến 39.000 won hoặc như một bữa ăn đầy đủ với giá 120.000 đến 170.000 won.

Giống Gucci, nhà hàng của Louis Vuitton tại Cheongdam-dong cũng đã trở thành đề tài bàn tán và kín khách đặt bàn. Mức giá cho bữa trưa và bữa tối có thể lên tới 230.000 won. Những thương hiệu xa xỉ khác gần đây cũng đã lấn sân sang ngành thực phẩm và đồ uống cao cấp còn có nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Breitling. Công ty này mở một quán cà phê và một nhà hàng vào tháng 2 ở quận Yongsan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate