TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ NHỜ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Đây là thông tin do ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) chia sẻ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước chiều ngày 21/9.
Để đạt được kết quả trên, trong năm 2024, LPBank đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt thực hiện. Ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển tín dụng bán lẻ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới 566 chi nhánh/ phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, LPBank cũng đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện, hỗ trợ đắc lực cho công tác phê duyệt tín dụng, giúp rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Nhờ áp dụng công tác quản trị tín dụng và rủi ro chặt chẽ theo mô hình quản trị hiện đại, an toàn, hiệu quả đã giúp LPBank kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, không để phát sinh nợ xấu mới. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chỉ 1,7%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. “Mục tiêu của LPBank là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1,0% vào cuối năm nay”, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank chia sẻ tại Hội nghị.
Trong năm 2024, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam cũng liên tục đưa ra nhiều gói giải pháp tối ưu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, cho vay tiêu dùng, LPBank đã triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Trong 8 tháng đầu năm 2024, LPBank đã giảm lãi suất cho hơn 150.000 khách hàng, với mức giảm lên đến 3,5% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 100.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất cố định đối với khách hàng doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn, khách hàng xuất nhập khẩu với quy mô 9.000 tỷ đồng... với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm. Kết quả hiện tại đã có gần 900 khách hàng được hưởng lợi từ Chương trình này. Có thể nói, các chương trình ưu đãi trên hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, thực sự đã và đang lan toả mạnh mẽ trên toàn quốc, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương trên toàn quốc.
NGÂN HÀNG XANH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, lãnh đạo Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam nêu một số đề xuất.
Thứ nhất, LPBank kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ ban ngành ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về Tín chỉ Carbon và các lợi ích cụ thể đối với khách hàng khi tham gia Tín dụng xanh.
Hiện LPBank là ngân hàng tiên phong đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh trong hệ thống. Ngân hàng đã triển khai gói tín dụng dành riêng cho lĩnh vực này với hạn mức hơn 15.600 tỷ đồng nhằm hỗ trợ và khuyến khích khách hàng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội. Trong đó 9.600 tỷ đồng dành cho dự án Năng lượng xanh và 6.000 tỷ đồng cho các dự án Nông nghiệp xanh.
Với mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh của LPBank tính đến cuối quý 3/2023 đạt mức ấn tượng 2.863 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao chiếm 2.857 tỷ đồng.
Đại diện LPBank chia sẻ: “Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tần suất và cường độ của các cơn bão như Yagi. Vậy nên chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và ưu tiên tín dụng xanh trong thời gian tới nhằm góp phần giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường tự nhiên và tạo điều điện cho sự phát triển bền vững về mặt kinh tế và xã hội cho đất nước”.
Việc LPBank ưu tiên tín dụng xanh nằm trong định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc dịch chuyển dòng vốn cho vay tín dụng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây cũng là khu vực được Đảng và nhà nước định hướng phát triển nhằm trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng hiệu quả, bền vững, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank, cho biết: “Các quy định về chính sách cho vay tín dụng xanh và các lợi ích cho khách hàng trong lĩnh vực xanh còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc mở rộng và phát triển đối tượng khách hàng.” Do đó, Việt Nam cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu xanh, và hưởng các ưu đãi về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.
Thứ hai, đối với các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua, LPBank đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ giảm lãi suất để giúp họ sớm khắc phục hậu quả sau bão, nhanh tróng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, cần cân nhắc việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời bổ sung thêm đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào danh sách được hỗ trợ.
Mới đây, LPBank đã khẩn trương triển khai các chương trình giảm lãi suất vay từ 0,5% đến tối đa 2% cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Chương trình có quy mô dự nợ áp dụng giảm lãi suất lên tới 29.700 tỷ đồng cho hơn 63.200 khách hàng ở các khu vực, địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ, đồng thời áp dụng các giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ phù hợp.
"Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng sự chỉ đạo sát sao và các giải pháp thiết thực từ Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN, LPBank tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.” - Tổng giám đốc LPBank khẳng định.