March 05, 2024 | 17:44 GMT+7

Luật Bảo hiểm y tế: Bộ Y tế đề xuất thêm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là thân nhân người lao động

Phúc Minh -

Bộ Y tế đề xuất bổ sung thân nhân người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, thuộc nhóm do doanh nghiệp và người lao động đóng. Trong đó, doanh nghiệp đóng 2/3, kéo chi phí của doanh nghiệp tăng từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong Báo cáo Đánh giá tác động dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết trong Luật Bảo hiểm y tế còn thiếu nhóm tham gia bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động đóng. Hiện nay, Chính phủ mới có quy định bảo hiểm y tế đối với thân nhân người lao động do người sử dụng lao động đóng áp dụng đối với doanh nghiệp quốc phòng, công an nhân dân.

Vì thế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế. Nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

70% còn lại do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó người lao động đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự như trách nhiệm đóng đối với người lao động).

Bộ Y tế cho rằng với những quyền lợi của thân nhân người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế, sẽ góp phần tạo ra sự an tâm cho người lao động trong suốt quá trình lao động, sản xuất.

Sự an tâm của người lao động về bảo vệ sức khỏe cho thân nhân của họ thông qua chính sách bảo hiểm y tế sẽ trở thành một chính sách thu hút nguồn lao động vào nền sản xuất xã hội, bảo đảm sự ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, khi tuyên truyền quảng cáo tuyển dụng lao động, thì tiêu chí được tham gia bảo hiểm y tế cũng là một quyền lợi quan trọng thu hút được nhiều lao động.

Cùng với việc mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến vấn đề này.

Đơn cử như việc người lao động phải nghỉ phép để chăm sóc cho thân nhân hoặc phải kiếm thêm việc làm để có thu nhập chi trả cho việc khám bệnh, chữa bệnh của thân nhân. Từ đó sẽ làm giảm sức lao động của bản thân người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với việc bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động sẽ làm tăng chi ngân sách và chi phí của doanh nghiệp để hỗ trợ thân nhân người lao động mua thẻ bảo hiểm y tế, tăng chi của người lao động để mua thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân.

Cụ thể, Nhà nước sẽ phải tăng chi dao động từ 348 tỷ - 1.146 tỷ đồng/năm để hỗ trợ thân nhân người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Doanh nghiệp sẽ phải tăng chi giao động từ khoảng 541 tỷ đến 1.782 tỷ đồng để hỗ trợ thân nhân người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Với mỗi thân nhân, người lao động và chủ sử dụng lao động đóng 680.400 đồng/năm, trong đó người lao động đóng 1/3. Như vậy, tăng chi trung bình đối với người lao động có 4 người phụ thuộc (bố mẹ và 2 con trên 6 tuổi) là: = (972.000 đồng/năm x 4 x 70%)/3 = 907.200 đồng/năm.

Theo Bộ Y tế, khi so sánh giữa tác động tích cực và tác động tiêu cực về kinh tế thì các tác động tích cực của phương án này mang lại nhiều giá trị và về tương lai sẽ có tác động bền vững.

Tuy nhiên cần tiếp tục đánh giá, nhất là trong bối cảnh thực tế nguồn thu ngân sách còn hạn chế, các doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

Tính đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 93% dân số. Tỷ lệ này cần tăng lên ít nhất 95% vào năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ. Hiện trong gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, chủ yếu tập trung vào nhóm phi chính thức như người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi, người tham gia theo hộ gia đình…

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate