June 27, 2019 | 10:07 GMT+7

Luật "đá" luật trong quản lý đất đai

Nguyễn Mẫn

Từ báo cáo đánh giá toàn diện chính sách pháp luật quản lý đất đai từ năm 2013 đến nay của Chính phủ, thấy rõ tình trạng luật "đá" luật thiếu đồng bộ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ Báo cáo đánh giá toàn diện chính sách pháp luật quản lý đất đai từ năm 2013 đến nay của Chính phủ, thấy rõ tình trạng luật "đá" luật thiếu đồng bộ và chồng chéo, trong khi đó, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai chưa được rà soát, hệ thống hóa thường xuyên và kịp thời.

Chính phủ cho rằng, một số chủ trương, chính sách của Đảng có tính chất định hướng lâu dài, có tính chiến lược nhưng chưa được thể chế hóa kịp thời do việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đầy đủ, đặc biệt như vấn đề kinh tế, tài chính đất đai; định giá đất theo cơ chế thị trường; quy hoạch sử dụng đất; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; giải quyết các vấn đề phức tạp, có tính lịch sử qua các thời kì như: đất nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

Thực tiễn cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế đã phát sinh vấn đề mới nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa có quy định đầy đủ để kịp thời điều chỉnh, như chính sách sử dụng đất cho người nước ngoài, condotel, officetel...

Một số nội dung quy định trong Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan có phạm vi điều chỉnh và nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ như chưa có sự thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư về chủ thể sử dụng đất. Hay quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ định chủ đầu tư giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Nhà ở chưa thống nhất; Thẩm quyền chấp thuận sự cần thiết phải thu hồi đất và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư chưa thống nhất.

Chưa có sự đồng bộ giữa quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất; việc xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động với đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư.

Rất nhiều vấn đề bất nhất và "đá" nhau khác còn có thể kể đến là, chưa có sự thống nhất và rõ ràng giữa pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư.

Có sự chồng lấn, không thống nhất trong quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch và các cấp quy hoạch thiếu khả thi, đồng bộ, thống nhất, tạo ra độ trễ làm chậm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch...

Thêm vào đó, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương còn chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời. Các quy định về biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về trách nhiệm, hành chính, hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc, theo Chính phủ, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Cụ thể, một số vấn đề về lý luận quản lý, sử dụng đất đai gắn với quan hệ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được nghiên cứu căn cơ, thấu đáo để định hình khi xây dựng chính sách, pháp luật. Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các cơ quan nghiên cứu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật ở cấp Trung ương và địa phương chưa được chặt chẽ. 

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý phản biện của người dân, việc đánh giá tác động và thẩm định chính sách, pháp luật trước khi ban hành đôi lúc còn hình thức, chưa hiệu quả, đầu tư cho công tác này còn hạn chế. Chưa có quy định cụ thể về chính sách đất đai giữa các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự án công nghệ cao với các dự án đầu tư phát triển bất động sản để thu hút đầu tư phát triển sản xuất...

Kiến nghị sửa đổi 10 luật

"Vá" lại các lỗ hổng trong quản lý đất đai, Chính phủ vừa có kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và 9 luật có liên quan gồm Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xử lý vi phạm hành chính...

Theo Chính phủ, cần sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập và phát sinh trong thực tiễn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; tạo điều kiện để các luật đi vào cuộc sống, thuận lợi cho công tác tổ chức thi hành; phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Trong thời gian chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm để xử lý một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate