February 03, 2024 | 08:00 GMT+7

Luật Đất đai mới tháo gỡ được phần lớn các khó khăn, vướng mắc

Thanh Xuân -

Luật Đất đai mới quy định với việc phân cấp quyền hạn cho cấp dưới, quy chế về hành chính trong thủ tục đầu tư sẽ giảm bớt. Ví như thủ tục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự phân cấp quyền hạn cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện…

Các chuyên gia phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Việt Dũng).
Các chuyên gia phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Việt Dũng).

Tại tọa đàm: "Luật Đất đai 2024: Nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 31/1/2024, các chuyên gia đều cùng đánh giá Luật Đất đai mới có nhiều điểm tiến bộ, đã tháo gỡ được phần lớn các khó khăn, vướng mắc.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá cao việc phân cấp quyền hạn cho cấp dưới, quy chế về hành chính trong thủ tục đầu tư, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ như thủ tục trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có sự phân cấp quyền hạn cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra đối với kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất cũng đơn giản hơn nhiều so trước đây. Bởi việc sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ trên trên 10h không phải xin ý kiến Thủ tướng. Đây là những điểm cơ bản rất tiến bộ. Đặc biệt về cơ chế thu hồi đất tại điều 129 đã quy định rất rõ 31 trường hợp.

Ngoài ra, còn cả những quy định về dự án khu đô thị hỗn hợp được nhà nước thu hồi. Nếu không có quy định này thì các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn và chắc chắn bất động sản cũng sẽ gặp khó khăn. Vì không thể có dự án nào đi tự thỏa thuận với dân được. Tuy nhiên trong các thông tư hướng dẫn thế nào là đô thị hỗn hợp cũng là một tình tiết đáng quan tâm, chú ý. Đơn vị chúng tôi có dự án tại Phú Thọ 15 năm liên quan đến giải phóng mặt bằng nhưng do vướng mắc liên quan nên chưa giải quyết và đến nay mới được giải quyết. Vì vậy nếu những trường hợp như thế này, điều khoản không rõ ràng thì dự án cũng không làm được.

Theo chuyên gia, điểm được nhất của Luật Đất đai lần này là luật mới rất rõ ràng. Bởi từ trước đến nay không chỉ doanh nghiệp mong chờ mà còn cả các địa phương. Thực tế, tình trạng đóng băng của nhiều dự án cũng một phần vì lãnh đạo của địa phương muốn chờ luật đất đai mới như thế nào rồi mới phê duyệt và đến nay vấn đề đã sáng tỏ. Đây là cơ sở góp phần nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản vẫn ách tắc.

“Hiện nay, doanh nghiệp đều mong mỏi Luật Đất đai mới nhanh chóng được đưa vào cuộc sống, điều này không chỉ giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo, mà còn quyết định sự phục hồi của thị trường bất động sản. Thực tế, các ngành kinh tế đều liên quan chặt chẽ đến bất động sản. Bất động sản đóng vai trò quan trọng với cả nền kinh tế mà Luật Đất đai là luật xương sống của bất động sản”, ông Hiệp khẳng định.

Cũng tại tọa đàm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam, cho biết qua nghiên cứu, tìm hiểu chính sách mới của Chính phủ ban hành và tiến hành khảo sát, nghiên ý kiến của doanh nghiệp, khách hành là người tiếp cận sản phẩm của doanh nghiệp. Nhìn chung, Luật Đất đai mới nhận được sự đánh giá cao và kỳ vọng lớn.

Cùng với Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai là những luật có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản hiện nay. Các nhà đầu tư mong đợi và muốn nắm rõ định hướng điều tiết thị trường khi có khung pháp lý mới từ Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước.

“Các luật liên quan đến bất động sản được thông qua, kỳ vọng “hồi sinh” được dự án bất động sản đang vướng mắc, từ đó khơi thông nguồn lực để triển khai dự án mới, giúp quản lý thị trường bất động sản ổn định, minh bạch, đưa thị trường bất động sản từ năm 2024 phát triển chu kỳ mới. Tuy nhiên, Luật Đất sửa đổi thông qua sẽ cần thời gian để áp dụng vào thực tế”, chuyên gia lưu ý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate