Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Ngày 15/11/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Xây dựng thành phố tổ chức hội nghị “Phổ biến và trao đổi về các nội dung mới liên quan Luật nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành”.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC, cho rằng sau hơn 08 năm thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản vẫn phát sinh một số vướng mắc, tồn tại, gây khó khăn trong quá trình thực thi… Do đó, việc sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 là hết sức cần thiết.
Thông tin về Luật Nhà ở năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết luật mới đã dành một chương riêng để quy định cụ thể về xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Trong đó, có một số điểm mới như quy định về kỳ chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, bỏ quy định về kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm; quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; bỏ quy định lấy ý kiến Bộ Xây dựng khi thực hiện thủ tục xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Việc bổ sung, quy định chặt chẽ về điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là nhằm tránh tình trạng điều chỉnh liên tục chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong thời gian qua, hạn chế việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án không sát với nhu cầu thực tế, tránh tình trạng lệch pha cung cầu.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động trong theo dõi, triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Về chiến lược phát triển nhà ở, Luật Nhà ở năm 2023 quy định đối với khu vực đô thị chủ yếu phát triển nhà ở theo dự án, có cơ cấu, diện tích phù hợp với nhu cầu thị trường. Đối với khu vực còn lại thì UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phát triển nhà ở theo dự án, như: đô thị loại I, các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.
Tại khu vực các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê. Đối với các khu vực còn lại thì UBND cấp tỉnh xác định khu vực chủ đầu tư xây dựng nhà ở, phân lô bán nền.
Còn về nhà ở xã hội, sẽ căn cứ nhu cầu và điều kiện của địa phương, cơ quan phê duyệt quy hoạch phải quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển; đối với khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thì việc phát triển nhà ở phải phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, phong tục, tập quán, điều kiện tự nhiên…
Thông tin về Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết Luật Kinh doanh bất động sản số 2023 nhằm phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản.
Trong đó, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị bất động sản được chú trọng.
Đặc biệt, vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường bất động sản; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Thông qua hội nghị, cơ quan quản lý đã tiếp nhận và giải đáp hơn 45 câu hỏi của doanh nghiệp về các vấn đề vướng mắc trong thực hiện hợp đồng dịch vụ, xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá dịch vụ quản lý vận hành và chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho thuê; quản lý vận hành chung cư; các vướng mắc trong thực hiện vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư bảo trì, bảo hành, bàn giao kinh phí….
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết tính từ năm 2004 (20 năm), Sở Xây dựng đã tiếp nhận và trả lời hơn 1.200 câu hỏi của doanh nghiệp thông qua website của Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố: https://doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn/ và phối hợp với ITPC tổ chức 06 hội nghị Đối thoại trực tiếp, thu hút hơn 2.300 lượt doanh nghiệp tham dự và trả lời hơn 700 câu hỏi của doanh nghiệp tại hội nghị.
Thông qua hội nghị, Sở Xây dựng thành phố sẽ giải quyết phần nào thỏa đáng và kịp thời những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn liên quan Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫ thi hành trong quá trình thực hiện.
“Nếu có câu hỏi vượt quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ tập hợp và gửi các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để trả lời, sau đó sẽ phản hồi về cho doanh nghiệp bằng văn bản”, ông Khiết nhấn mạnh.