August 22, 2022 | 14:34 GMT+7

Lương của lao động Việt Nam thấp hơn 7 lần so với thế giới

Nhật Dương -

Kỹ năng tay nghề thấp, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh cũng còn khá khiêm tốn phần nào khiến mức lương mà lao động Việt Nam nhận được còn khoảng cách khá xa so với lao động trong khu vực, với chỉ khoảng 300 USD…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” vừa tổ chức, đại diện Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam đã đưa ra nhiều số liệu khảo sát cụ thể về thị trường lao động Việt Nam.

Theo đó, tỷ lệ lao động có kỹ năng tay nghề chỉ chiếm 11%, con số này cho thấy kỹ năng chuyên môn của người lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đòi hỏi về kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng cao.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh chỉ chiếm 5%, dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Mức lương trung bình tháng của lao động Việt Nam khoảng 300 USD  (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

“Từ những số liệu trên có thể thấy, lao động Việt Nam gặp khá nhiều hạn chế khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động còn thấp”, đại diện ManpowerGroup Việt Nam nhận định.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng đánh giá, tác động kép của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai thách thức lớn.

Đó là thiếu hụt lao động có kỹ năng, và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động. Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao.

Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện cũng phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI tương đồng với nhận định trên. Đó là, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

“Thách thức nói trên cũng là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19”, ông Công nói.

Doanh nghiệp có thể dễ tuyển dụng nhóm lao động phổ thông hơn nhóm quản lý. Ảnh minh họa - N.Dương. 
Doanh nghiệp có thể dễ tuyển dụng nhóm lao động phổ thông hơn nhóm quản lý. Ảnh minh họa - N.Dương. 

Theo ông Công, trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.

Để khắc phục hạn chế trến, VCCI kiến nghị, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Đồng thời, kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia. Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được triển khai từ 1/7/2021, hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia và mới chỉ 17 tỉnh, thành phố phê duyệt cho 57 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 12.000 lao động.

VCCI cũng đề xuất Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp.

Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân ủng hộ ý kiến xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu chứng minh được việc thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

Theo ông Thân, thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật... 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate