July 12, 2023 | 16:59 GMT+7

Lượng du khách Trung Quốc vì sao không phục hồi như dự kiến?

Tường Bách -

Hồi đầu năm, rất nhiều quốc gia đã trông đợi vào du khách Trung Quốc để thúc đẩy doanh thu du lịch và hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch. Thế nhưng, đến nay, nhiều nước đang chuyển hướng tìm kiếm các dòng du khách khác...

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Tại Diễn đàn Kinh tế Qatar diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, các nhà sản xuất máy bay, giám đốc điều hành hãng hàng không và các "ông trùm" khách sạn vẫn đưa ra nhận định về sự bùng nổ nhu cầu đi lại của du khách Trung Quốc. Theo đó, tập đoàn khách sạn Accor đã dự đoán rằng "hàng triệu" người Trung Quốc có thể thúc đẩy nguồn thu cho ngành du lịch trong những tháng tới. Akbar Al-Baker, giám đốc điều hành của hãng hàng không Qatar Airways, thì dự đoán du khách Trung Quốc sẽ chi cho dịch vụ miễn thuế của Qatar Airways tại sân bay (Doha) nhiều hơn bất kỳ du khách từ quốc gia nào.

Kết quả, số lượng khách Trung Quốc đến với 5 quốc gia Đông Nam Á trong tháng 5 chỉ đạt từ 14% đến 39% so với con số của năm 2019, theo báo SCMP. Ngay cả Thái Lan, một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch nhất trong khu vực, đang được hưởng lợi từ sự phục hồi du lịch sau đại dịch, nhưng lượng khách Trung Quốc đến dự kiến sẽ thấp hơn ít nhất 2 triệu so với mục tiêu 7 triệu đề ra trong năm 2023. Ngay cả những điểm đến phổ biến nhất như Singapore và Malaysia cũng chỉ phục hồi khoảng 30% nhu cầu trước đại dịch trong kỳ nghỉ hè.

Đông Nam Á không phải là nơi duy nhất đón ít du khách Trung Quốc. Nhật Bản cũng đang chứng kiến lượng khách Trung Quốc thấp hơn nhiều so với những năm trước đại dịch. Gã khổng lồ bán lẻ Takashimaya gần đây cho biết, khách du lịch không phải người Trung Quốc chiếm gần 70% tổng doanh thu từ khách du lịch từ tháng 3 đến tháng 5, so với chỉ 20% trước đại dịch.

Lượng khách Trung Quốc đặt tour du lịch nước ngoài không cao khiến ngành du lịch khu vực Đông Nam Á không đạt được mục tiêu đề ra.
Lượng khách Trung Quốc đặt tour du lịch nước ngoài không cao khiến ngành du lịch khu vực Đông Nam Á không đạt được mục tiêu đề ra.

Các hãng hàng không Hàn Quốc cũng đã quyết định tạm dừng khai thác một số đường bay tới Trung Quốc do nhu cầu bay vẫn đang hồi phục chậm, chưa bằng thời kỳ trước đại dịch. Theo đó, hãng hàng không Korean Air sẽ tạm dừng khai thác đường bay Gimpo - Bắc Kinh từ ngày 1/8 tới ngày 28/10. Đường bay Incheon - Hạ Môn cũng dừng khai thác từ ngày 9/8 đến ngày 28/10. Hãng hàng không Asiana Airlines thông báo dừng khai thác đường bay Gimpo - Bắc Kinh từ ngày 6/7, đường bay Incheon - Thâm Quyến từ ngày 8/7…

Tại châu Âu, du khách nước ngoài đã tấp nập trở lại nước Pháp, đôi lúc với số lượng đông kỷ lục, duy chỉ có người khách Trung Quốc vẫn gần như “biệt tăm”. Từ nhiều tháng nay, người ta không còn thấy những du khách Trung Quốc tíu tít tay xách những chiếc túi hàng hiệu đứng chụp hình trước các công trình biểu tượng của nước Pháp.

Theo tờ France24, đối với những doanh nghiệp du lịch Pháp thì hiện tượng vắng bóng  du khách Trung Quốc là một thiệt hại nặng nề. Tính trung bình mỗi khách Trung Quốc chi tiêu 5.400 Euro cho chuyến du lịch  Pháp. Năm 2019, 2,2 triệu du khách Trung Quốc đã đến đóng góp vào thu nhập kinh tế Pháp tới 3,5 tỷ Euro, một con số kỷ lục.

Trở ngại đầu tiên được cho là do xin thị thực khó khăn. Tại Trung Quốc, để được cơ quan lãnh sự cấp visa nhập cảnh vào Pháp phải mất nhiều tháng. Lý do tiếp theo là tình trạng khan hiếm chuyến bay giữa Pháp và Trung Quốc. Bà Olivia Grégoire, bộ trưởng Du Lịch Pháp khẳng định: “Từ nhiều tháng nay, chúng tôi vẫn đang bàn với Trung Quốc về chuyện mở lại các chuyến bay”. Kết quả của các cuộc đàm phán là hai bên đã ấn định 50 chuyến bay mỗi tuần từ ngày 10/06 (mỗi bên 25 chuyến). Nhưng trên thực tế, 5 hãng hàng không Trung Quốc mới thực hiện 20 chuyến, Air France khai thác được 14 chuyến.

Với những doanh nghiệp du lịch Pháp thì hiện tượng vắng bóng  du khách Trung Quốc là một thiệt hại nặng nề.
Với những doanh nghiệp du lịch Pháp thì hiện tượng vắng bóng  du khách Trung Quốc là một thiệt hại nặng nề.

Trong quý đầu tiên của năm nay, chỉ có 1,6% người Trung Quốc đi du lịch theo nhóm ra nước ngoài, giảm từ 30% so với cùng kỳ năm 2019, theo số liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc. Lý do, sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc đã khiến người dân nước này do dự hơn trong việc chi tiền du lịch ra nước ngoài. Để đi du lịch châu Âu theo nhóm, mỗi người Trung Quốc, trước đại dịch trung bình chi 2000 Euro, giờ đây cho một chuyến đi như vậy họ phải dự trù 4.000 Euro.  Với ngân sách như thế, những khách hàng bình dân giờ không thể có tiền để đi du lịch.

Công ty Du lịch quốc tế GZTC có trụ sở tại Quảng Châu, lý giải: "Công suất chuyến bay tăng chậm hơn cũng là lực cản đối với sự phục hồi của ngành du lịch. Năng lực chuyến bay giữa Trung Quốc và khu vực đang được cải thiện, nhưng hầu hết các tuyến vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch (Singapore là ngoại lệ), theo dữ liệu của công ty phân tích hàng không Cirium", vị này nhận xét.

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Intelligence thì chỉ ra rằng sự thiếu vắng của các tour du lịch theo đoàn cũng là một trong những yếu tố khiến ngành du lịch đất nước tỷ dân phục hồi chậm. Trong quý 1, chỉ 1,6% tour khách đoàn của Trung Quốc ra nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ 30% ghi nhận trong ba tháng đầu năm 2019.

Không chỉ tại nước ngoài, mà ngay tại Trung Quốc, người dân đi du lịch nội địa nhiều hơn nhưng mức chi tiêu cho những chuyến đi lại giảm mạnh so với năm 2019. Nguyên nhân là do sự phát triển của du lịch giá rẻ, thậm chí là cực kỳ rẻ. Thay vì chọn các phương án di chuyển, ăn ở bình thường, nhiều người đã chịu khó bắt các chuyến tàu chậm, xe khách, tàu đêm, hoặc thuê ô tô tự lái, tăng cường đi bộ giữa các điểm tham quan và thuê nhà trọ giá rẻ.

Sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc đã khiến người dân nước này do dự hơn trong việc chi tiền du lịch ra nước ngoài. 
Sự phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến của Trung Quốc đã khiến người dân nước này do dự hơn trong việc chi tiền du lịch ra nước ngoài. 

Theo các chuyên gia, tốc độ phục hồi du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt ra một số hạn chế và sẽ cần nới lỏng các quy tắc để kích cầu. Cơ quan quản lý và các hãng hàng không cũng cần tăng cường thêm nhiều chuyến bay hơn sau khi các tuyến đường bị đóng băng thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, các quốc gia và các nhà quan sát đặt niềm tin rằng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trường vào nửa cuối năm nay. Bất chấp những con số hiện tại còn khiêm tốn, Selena Ling, nhà kinh tế trưởng tại Oversea-Chinese Banking Co., (Singapore) cho rằng ẫn còn sớm kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại hồi tháng 3 và bà hy vọng rằng số lượng du khách Trung Quốc sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Tương tự, William Ellwood Heinecke, tỷ phú người Mỹ gốc Thái sở hữu tập đoàn khách sạn Minor International, cho biết trong quý 1/2023, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan giảm hơn 85% so với năm 2019. Tuy nhiên, ông Heinecke dự đoán sự bùng nổ nhu cầu sẽ diễn ra vào nửa cuối năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate