April 05, 2021 | 10:56 GMT+7

Lương tối thiểu vùng 2021: Tăng hay không cũng "khó" hài hòa giữa các bên

Thu Hằng

Các yếu tố giữa việc làm và tăng lương cần tính toán kỹ để đảm bảo hài hòa với "sức khỏe" của doanh nghiệp. Người lao động có thể phải "nén" nhu cầu lại, chờ sang năm 2022 mới có thể xem xét tăng lương, theo các chuyên gia

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo Chính phủ về việc nghiên cứu điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Theo lý giải của Bộ này, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới chưa thể dự báo được chính xác thời điểm kết thúc và mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước từ nay đến cuối năm 2021.

Vì vậy, Bộ này nhận thấy việc không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động, và sau 13 năm liên tục điều chỉnh mức lương tối thiểu.

CÂN NHẮC NHIỀU YẾU TỐ TĂNG LƯƠNG

Trái ngược với ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trước đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 và chuyển thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm thay vì ngày 1/1 như hiện nay.

Thời điểm cơ quan này đưa ra đề xuất là khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 chưa bùng phát tại Việt Nam vào hồi cuối tháng 1. Khi đó, một chuyên gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ với VnEconomy rằng, đề xuất của cơ quan này là có cơ sở. Chẳng hạn như trong năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, thành lập doanh nghiệp…là có cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền lương được. Hơn nữa, dù những năm qua tiền lương tối thiểu liên tục tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trao đổi lại với VnEconomy về thắc mắc liệu quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có gì thay đổi sau những tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 3 đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói rằng, quan điểm của cơ quan này đã thể hiện rất rõ trong đề xuất với Chính phủ, chắc chắn là mong muốn đó đến thời điểm này vẫn không thay đổi.

Còn dưới góc độ chuyên gia lao động – việc làm, ông Quảng vẫn hy vọng có thể đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động. "Tất nhiên việc tăng lương cần xem xét trên nhiều yếu tố như khả năng phòng chống dịch Covid-19, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp…là cần cân nhắc", ông Quảng bày tỏ.

Ngược lại, đứng trên góc độ các doanh nghiệp nếu có đề xuất không tăng lương tối thiểu, ông Quảng cho rằng đó cũng là điều hết sức bình thường. Thực tế, trước đây vào mỗi lần thương lượng điều chỉnh lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất không tăng hoặc tăng ở mức thấp.

Lương tối thiểu vùng 2021: Tăng hay không cũng "khó" hài hòa giữa các bên - Ảnh 1.

Lao động trong một doanh nghiệp dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh - Mạnh Dũng.

Hay như gần đây nhất, một hiệp hội doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có đề xuất không tăng lương tối thiểu năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để đảm bảo việc làm, không sa thải người lao động.

Hiệp hội này dẫn chứng rằng thời điểm hiện nay, "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp đang ở mức kém lạc quan nhất. Riêng ngành dệt may Việt Nam, năm 2020 chỉ đạt 35,06 tỷ USD, giảm 9,82% so với năm 2019 (38,9 tỷ USD), chưa bằng mức thực hiện của năm 2018 (36,2 tỷ USD).

"Ở góc độ độ tổ chức đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp trong ngành, chúng tôi hiểu đề xuất đó là phù hợp. Còn đứng ở vị trí chuyên gia lao động, tôi vẫn mong muốn Chính phủ xem xét nếu có thể điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng để chia sẻ thành quả của sản xuất kinh doanh trong năm qua dù rất khó khăn. Nếu tăng lương được sẽ động viên người lao động và giúp họ cải thiện đời sống trong bối cảnh khó khăn này là điều rất quý ", ông Quảng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Quảng, việc tăng lương sẽ càng tạo ra động lực để người lao động gắn bó, yên tâm lao động sản xuất và kinh doanh có hiệu quả hơn.

HÀI HÒA GIỮA TĂNG LƯƠNG VÀ "SỨC KHỎE" CỦA DOANH NGHIỆP

Cũng chia sẻ với VnEconomy về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời là nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân nói rằng, ông có thể hiểu đứng ở mỗi vị trí cơ quan khác nhau thì đề xuất tăng hay không tăng là điều đương nhiên.

Mặc dù vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng ở khu vực doanh nghiệp cũng cần cân nhắc tương tự như với khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bởi vì lương tối thiểu do chi phí của doanh nghiệp chi trả.

Ông Huân cho rằng, doanh nghiệp vừa trải qua năm 2020 rất khó khăn, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2021 dù chúng ta đều hy vọng sẽ khá hơn. "Rõ ràng tình hình việc làm, các chi phí để phục hồi hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó, cho nên đề xuất tăng lương tối thiểu là cần cân nhắc kỹ.

Trong bối cảnh này, các yếu tố giữa việc làm và tăng lương để cải thiện đời sống cần tính toán làm sao nhằm bảo đảm sức dư của doanh nghiệp để phục hồi, sản xuất thì sẽ hài hòa hơn. Còn người lao động có thể phải "nén" nhu cầu lại, từ đầu năm 2022 khi tình hình khá hơn sẽ xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động", ông Huân nhấn mạnh.

Đối với đề xuất lùi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 sang ngày 1/7 hằng năm, theo ông Huân cũng phải cân nhắc. Bởi vì, thay đổi thời điểm phải tính toán dựa vào năm tài chính của doanh nghiệp.

"Năm tài chính của chúng ta bắt đầu từ ngày 1/1 – 31/12 nên thời điểm điều chỉnh từ 1/1 là phù hợp hơn, còn nếu từ ngày 1/7 lại giữa chừng của năm tài chính. Điều này có nghĩa là trong một năm tài chính thì chi phí 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp là một kiểu, 6 tháng cuối năm lại thay đổi theo kiểu khác sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo tôi đối với doanh nghiệp thì thời điểm điều chỉnh từ ngày 1/1 là phù hợp nhất như đã thực hiện nhiêif năm nay", ông Huân lý giải.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate