January 15, 2024 | 09:52 GMT+7

Lưu ý cho Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân trong năm 2024?

Tuấn Sơn -

Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2024, điều này có thể tác động bất lợi đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khi các động lực tăng trưởng như đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi lấy lại đà so với năm 2023...

Bên cạnh đó, những xu hướng mới xuất hiện như phát triển trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi nguồn nhân lực, bảo mật dữ liệu, … có thể mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, đòi hỏi chủ doanh nghiệp cần có cái nhìn xa hơn và cách tiếp cận mới trong quá trình quản lý.

CẦN TƯ DUY CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN VÀ DÀI HẠN

Vận hành một cỗ máy hoạt động trơn tru và tạo ra lợi nhuận là điều mong muốn của nhiều chủ sở hữu nhưng chưa chắc là một kế hoạch chiến lược hiệu quả để mang lại giá trị lâu dài, đặc biệt trong thế giới có nhiều biến động. Chủ doanh nghiệp có thể đứng trước sự lựa chọn: hoặc chủ động thay đổi để tồn tại hoặc có nguy cơ bị buộc phải thay đổi.

Tư duy chiến lược mới đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, vượt ra vùng an toàn để có sự bứt phá. Chủ doanh nghiệp có thể dựa trên phân tích dữ liệu để dự báo rủi ro đến từ những thay đổi trên thị trường, quy định hoặc đối thủ cạnh tranh, chuẩn bị đón đầu những gián đoạn có thể có trong mô hình kinh doanh. Việc thường xuyên xem xét kỹ lưỡng danh mục kinh doanh cũng có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp khám phá những cơ hội tốt hơn để vượt lên dẫn đầu.

Lưu ý cho Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân trong năm 2024? - Ảnh 1

THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN TRONG CẮT GIẢM CHI PHÍ

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh để mang lại mức tăng trưởng mạnh mẽ ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh biến động lãi suất và lạm phát, bất ổn địa chính trị trên thế giới.

Việc cắt giảm chi phí có thể có tác dụng trong ngắn hạn nhưng có thể phải trả giá bằng việc làm suy yếu tiềm năng của doanh nghiệp. Một cách tiếp cận tốt hơn để xem xét khi cắt giảm chi phí đó là đánh giá tầm quan trọng của một khoản chi phí bằng giá trị mang lại đối với chiến lược kinh doanh thay vì bằng mức cao thấp của chi phí.

Các chủ doanh nghiệp nên nhìn nhận chi phí chính là các khoản đầu tư trong hoạt động kinh doanh và đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả thực hiện. Các phương pháp hạn chế chi phí đồng nghĩa với việc hạn chế đầu tư, từ đó có thể ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp.

Lưu ý cho Lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân trong năm 2024? - Ảnh 2

TIẾP CẬN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ “TƯ DUY CFO”

Công nghệ là cốt lõi của việc tái tạo mô hình kinh doanh. Theo khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2023 của PwC, 58% doanh nghiệp khảo sát đặt cải thiện năng lực số làm ưu tiên trong 2 năm tới.

Đặc biệt với sự ra đời của ChatGPT - một công cụ Trí tuệ nhân tạo tổng hợp, đã nở rộ làn sóng đầu tư của nhiều doanh nghiệp để nắm bắt những lợi thế từ công nghệ này.

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp không nên rơi vào “bẫy” đầu tư công nghệ theo xu hướng, mà cần tiếp cận từ “tư duy CFO” - chiến lược chuyển đổi số tập trung vào kết quả: không triển khai dàn trải đồng loạt nhiều dự án mà bắt đầu với những hạng mục nhỏ nhưng mang lại sự chuyển đổi rõ ràng và nhanh chóng, bắt đầu từ vấn đề quan trọng nhất trong doanh nghiệp là hiệu suất hoạt động để xác định thứ tự ưu tiên rõ ràng trong đầu tư công nghệ.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số, việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên và khuyến khích thử nghiệm trong toàn bộ tổ chức là hết sức quan trọng.

CÂN BẰNG LỢI ÍCH CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị và Ban điều hành có những trách nhiệm rất khác nhau nhưng có chung một mục tiêu: đảm bảo tương lai bền vững của doanh nghiệp. Để thực hiện được điều đó, xây dựng mối quan hệ và cân bằng lợi ích với các bên liên quan là hết sức quan trọng.

Theo Báo cáo Khảo sát doanh nghiệp gia đình Việt Nam 2023 của PwC, các doanh nghiệp đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn giành được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này. Doanh nghiệp tư nhân sẽ cần phải thay đổi chính sách và thực tiễn, xem xét lại các ưu tiên và truyền đạt những thay đổi đó tới tất cả các bên liên quan, tập trung thiết lập cơ chế trao đổi hai chiều và đảm bảo minh bạch.

NẮM BẮT CƠ HỘI TỪ CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hiện nhiều doanh nghiệp đã và đang quan tâm nhiều hơn đến ESG và những xu hướng mới nổi như kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon, chuyển đổi năng lượng xanh, … Việc có lộ trình thực hiện các xu hướng này từ giai đoạn sớm có thể mở ra những con đường phát triển mới và nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp trong vai trò lãnh đạo xã hội.

Trong hành trình thực hiện ESG, kinh tế tuần hoàn hay tham gia thị trường tín chỉ carbon, việc quan trọng đầu tiên là cần đảm bảo dữ liệu và cam kết của doanh nghiệp là đáng tin cậy, đồng thời thực hiện công bố những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng kỳ vọng của cơ quan quản lý, cộng đồng về một thế giới sạch hơn và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan về một doanh nghiệp linh hoạt hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate