Năm 2019, trước khi Covid-19 trở thành đại dịch thế giới khiến người mua sắm bị mắc kẹt ở nhà, LVMH từng đạt được mức 69,2 tỷ USD doanh thu. Thành tích của tập đoàn xa xỉ trong năm 2021 vừa qua trở thành minh chứng cho sự phục hồi của ngành công nghiệp thời trang sau khi nhóm khách hàng giàu có đổ xô vào các cửa hàng. Tốc độ hồi phục được củng cố khi nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại và giá tài sản tăng vọt.
Để đạt được doanh số kỷ lục, công ty có trụ sở tại Paris này được cho là đã đưa ra những quyết định sáng suốt khi thu mua nhiều thương hiệu khác nhau, từ thương hiệu thời trang cao cấp Christian Dior đến rượu cognac Hennessy. Điều này trở thành yếu tố giúp củng cố sự phục hồi của tập đoàn sau đại dịch.
Với tư cách là nhà cung cấp hàng xa xỉ mang tính thống trị, LVMH hưởng lợi từ các dòng sản phẩm như đôi sneakers của Louis Vuitton trị giá 1.000 USD hay dòng sản phẩm nhẫn đính hôn từ Tiffany & Co... Doanh thu thuần của mảng thời trang và đồ da, bao gồm cả các thương hiệu Celine and Loewe, vượt cả Louis Vuitton tăng vọt hơn 42% so với mức năm 2019.
Doanh số của các chuỗi bán lẻ của LVMH, bao gồm Sephora và các cửa hàng miễn thuế miễn thuế DFS, ngành hàng nước hoa và mỹ phẩm là hai mảng duy nhất chưa quay lại mức của 2019 trong bối cảnh lượng khách du lịch châu Á đến châu Âu giảm rõ rệt. Trong buổi thuyết trình trực tuyến trước các nhà phân tích và báo giới, tỷ phú Arnault cảnh báo rằng du lịch quốc tế có thể không trở lại trước năm sau hoặc năm 2024.
Tiffany vừa mới gia nhập tập đoàn một năm trước đã có kết quả đáng chú ý mặc dù cửa hàng lớn nhất của thương hiệu nằm trên Đại lộ số 5 ở New York đang đóng cửa để tân trang. Ông chủ LVMH cho biết, cửa hàng sẽ mở cửa trở lại vào cuối năm nay.
Cedric Ozazman, Giám đốc đầu tư của Reyl & Cie ở Geneva, cho biết kết quả kinh doanh của Tiffany là một bất ngờ rất thú vị, khẳng định xu hướng tích cực trong ngành trang sức như Richemont. Cedric Ozazman cho biết thêm dù lạm phát tăng, LVMH vẫn có thể đạt được lợi nhuận cao nhờ khả năng tăng giá ấn tượng cho các sản phẩm của mình.
Về vấn đề thay đổi giá sản phẩm, tỷ phú Arnault cho biết tập đoàn sẽ tôn trọng khách hàng và tăng một cách hợp lý. Ngoài ra, ông thừa nhận nhiều mặt hàng đang có mức giá tăng cao. Mẫu đồng hồ Nautilus do Tiffany & Co. và Patek Philippe sản xuất có giá bán lẻ là 52.635 USD. Trong cuộc đấu giá vào tháng 1, mẫu đồng hồ được bán với giá 6,5 triệu USD.
Theo con số công bố trước đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) đạt đến 44,3 tỷ euro (sau khi trừ tác động của biến động ngoại hối), tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, trong khi khu vực Hoa Kỳ và châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) tiếp tục sở hữu tốc độ tăng trưởng hai con số thì tại châu Âu, sự phục hồi được cho là có nét chuyển biến tích cực hậu suy thoái.
Tại thời điểm đó, lĩnh vực thời trang và chế tác đồ da lại chính là 2 nhóm ngành kinh doanh mũi nhọn mang lại lợi nhuận dồi dào nhất cho “gã khổng lồ” LVMH với mức tăng trưởng đạt 24%. Và dẫn đầu chính là hai thương hiệu đình đám: Louis Vuitton và Christian Dior. Trong bối cảnh đại dịch, các “ông lớn” trong ngành thời trang tiếp tục chọn cách phân phối có chọn lọc, giảm hoạt động khuyến mãi cũng như tập trung đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến tại website riêng.
Chuyên gia Arnaud Cadart thuộc công ty quản lý tài sản Flornoy cho biết "tầng lớp trung lưu, thượng lưu, những người giàu và cực giàu dường như chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng". Họ không thể đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống, thay vào đó họ dồn tiền để mua hàng xa xỉ. Chuyên gia này nói thêm rằng người Trung Quốc, chiếm khoảng 35 - 40% số khách hàng xa xỉ, vẫn là đối tượng rất quan trọng.