Thông tin trên được đưa ra tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2023, diễn ra vào ngày 9/7/2023 tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
Năm nay, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh 60 mã ngành, trong đó có 37 chương trình đào tạo học bằng tiếng Việt, 7 chương trình định hướng ứng dụng và 16 chương trình đào tạo học bằng tiếng Anh.
Trước đó, ngày 6/7 Đại học Kinh tế Quốc dân công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết hợp – nhóm đối tượng 1,2,3. Trong đó, nhóm đối tượng 1 là xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ATC; nhóm 2 là sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và nhóm 3 là xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh với điểm thi năng lực, tư duy.
Điểm chuẩn năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm của trường Kinh tế Quốc dân thấp hơn so với năm 2022 ở nhiều ngành.
Ví dụ như ngành Kinh tế học, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT/ACT năm nay lấy 24,19, trong khi điểm chuẩn năm 2022 của ngành này là 24,75 điểm.
Nhóm ngành lấy điểm cao như Kinh doanh quốc tế lấy 28,13; Thương mại điện tử 27; Kiểm toán 27,56; Logistics và Quản lý chuỗi cung ướng 27,28…
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo cho biết: “Các thí sinh nên để nguyện vọng có khả năng đỗ cao nhất làm nguyện vọng 1 và đăng ký tất cả những nguyện vọng có cơ hội đỗ theo thứ tự ưu tiên để tăng tỉ lệ trúng tuyển, tránh trường hợp trượt oan”. Ngoài ra, khi muốn thay đổi ngành học, sau khi vào trường thí sinh có cơ hội đăng ký các lớp tiến tiến chất lượng cao với khoảng 12 - 15 ngành đào tạo và học song song 2 chương trình khi hết năm thứ 1 và đạt yêu cầu theo quy định.
Về chương trình chất lượng cao, PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “Chương trình chất lượng cao”. Thông tư 11 có hiệu lực từ ngày 1/12/2023, do vậy năm 2023, Trường vẫn tiếp tục tuyển sinh và đào tạo các chương trình chất lượng cao như đã công khai trong đề án.
Cũng theo PGS. Bùi Đức Triệu, việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo là quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Bùi Huy Nhượng - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, nhà trường luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển các chương trình đào tạo theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Theo Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025, trong đó nêu rõ: “Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học đầu tư phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở các lĩnh vực ưu tiên (như công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp xanh...) tạo nguồn nhân lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.
Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định: “Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hoá và tự chủ đại học; tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới, chú trọng các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến và các chương trình đào tạo quốc tế”.
Với những định hướng như vậy, Ban tư vấn tuyển sinh chia sẻ tới phụ huynh và học sinh yên tâm về các chương trình đào tạo của Trường, và khẳng định vẫn tiếp tục đào tạo các chương trình chất lượng cao - PGS.TS Bùi Huy Nhượng cho biết.