Trong báo cáo vừa được công bố, J.P Morgan nhấn mạnh rằng: "Việt Nam đang đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng sôi động và đáng chú ý nhất trong khu vực châu Á", và đưa ra triển vọng tích cực về cổ phiếu ngành tiêu dùng Việt Nam với trong 12 tháng tới.
Theo đánh giá của tổ chức này, thị trường bán lẻ tiêu dùng Việt Nam có thể tăng trưởng cao nhờ vào nền kinh tế phát triển nhanh, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, và sự gia tăng đô thị hóa. J.P Morgan dự báo Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những điểm nổi bật về tăng trưởng tiêu dùng trong khu vực.
VIỆT NAM - CÂU CHUYỆN TĂNG TRƯỞNG TIÊU DÙNG HẤP DẪN
Theo J.P Morgan, với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, quốc gia này đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 đô la Mỹ vào năm 2022 - mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM. Chính phủ đề ra mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 đô la Mỹ vào năm 2030 và 10.000 đô la Mỹ vào năm 2035.
Với lực lượng lao động đang di chuyển sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, J.P Morgan cho rằng một tỷ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới. Ngoài ra, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng gia tăng định giá trong nhiều năm tới. Cụ thể, tăng trưởng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu sẽ tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ như điện tử thiết bị, ô tô, du lịch...
Sự hình thành tầng lớp trung lưu mới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng.Theo quan điểm của J.P Morgan, điều này sẽ tiếp tục trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Việt Nam đã và đang là điểm đến thu hút đối với khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này được hỗ trợ bởi việc chính phủ nới lỏng các yêu cầu về thị thực, xây dựng sân bay và nới lỏng các quy định đối với FDI trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và khách sạn. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ này còn đem đến tốc độ CAGR là 18% về lượng khách du lịch đến Việt Nam trong giai đoạn năm 2014-19.
Chính phủ đã mở rộng các chương trình miễn thị thực cho nhiều quốc gia hơn vào năm 2019 (Nga, Nhật Bản, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Belarus). Tuy nhiên, dòng chảy du lịch đã bị gián đoạn do đóng cửa COVID-19. Theo báo cáo, J.P Morgan cho rằng tăng trưởng sẽ quay trở lại vào năm 2023-24 và tiếp tục trong vòng 5 đến 10 năm tới. Điều này cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của cổ phiếu ngành tiêu dùng tại Việt Nam.
VÌ SAO MSN ĐƯỢC J.P MORGAN ĐỊNH GIÁ 102.000 ĐỒNG?
Sử dụng phương pháp SOTP (sum-of-the-parts), MSN được J.P Morgan định giá với mức 102.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26% so với mức giá 80.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 18/7.
SOTP là phương pháp xác định giá trị công ty trong đó mỗi công ty con của công ty hoặc bộ phận kinh doanh của nó được định giá riêng biệt và sau đó tất cả chúng được cộng lại với nhau để tạo ra tổng giá trị của công ty. Dự kiến tỷ lệ P/E mục tiêu cho năm 2024 là 34 lần, cho thấy mức định giá cao hơn khoảng 40% so với các công ty cùng ngành trong khu vực, điều này được hỗ trợ bằng mức tăng trưởng hàng năm đạt 36% trong EPS từ năm 2023 đến 2025.
Vậy điều gì đã khiến J.P Morgan định giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan ở mức 102.000 đồng/cổ phiếu?
Theo báo báo, J.P Morgan đánh giá cao nỗ lực của MSN về kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chiến lược khác nhau ở các giai đoạn chu kỳ kinh doanh. Đối với danh mục hàng tiêu dùng, công ty quản lý khả năng sinh lời tương đối ổn định bằng cách cân bằng việc cải tiến lợi nhuận ở các phân khúc trưởng thành, song song đó là đầu tư vào mở rộng danh mục và tung ra sản phẩm mới.
Đối với các công ty thành viên còn non trẻ, như Masan MEATLife và WinCommerce, công ty ưu tiên thúc đẩy doanh thu thay vì lợi nhuận (ví dụ: công ty giảm giá các sản phẩm thịt để tăng thị phần) trong thời gian ngắn. Cải thiện doanh thu theo thời gian sẽ thúc đẩy lợi nhuận cao hơn thông qua quy mô kinh tế (cải thiện chi phí) trong tương lai.
Những nỗ lực phân bổ vốn gần đây của Masan nhằm định hướng rõ ràng hơn việc trở thành một công ty đặt người tiêu dùng làm trọng tâm. Thông qua việc M&A mảng kinh doanh liên quan đến người tiêu dùng và thoái vốn khỏi mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi vào năm 2021, các dự án, tài sản liên quan đến hệ sinh thái người tiêu dùng của công ty đã tăng từ ~30% năm 2015 lên 44% vào năm 2022. Từ góc nhìn doanh thu, phân khúc kinh doanh liên quan đến người tiêu dùng đã tăng từ 43% năm 2015 lên 94% doanh thu vào năm 2022.
Kể từ khi tiếp quản mảng kinh doanh từ Vingroup vào năm 2019, MSN đã tăng thị phần 7% trong lĩnh vực bán lẻ thương mại hiện đại (vượt qua Co-op, công ty không được niêm yết) và cải thiện tăng trưởng biên lợi nhuận EBITDA lên 10%.
Ngoài ra, J.P Morgan cho rằng việc bổ sung mảng kinh doanh bán lẻ của WinCommerce đã hoàn thiện kênh phân phối cho sản phẩm của Masan Consumer. Sự kết hợp giữa sản xuất sản phẩm của Masan Consumer và kênh phân phối sản phẩm của WinCommerce là rất hiệu quả.
Minh chứng cho điều này, J.P Morgan đưa ra ví dụ về việc Berli Jucker (BJC TB) mua lại BigC (BIGC TB): “Sau khi mua lại, chúng tôi đã thấy sự cải thiện ấn tượng của hiệu suất kinh doanh hàng tiêu dùng của BJC, với việc cải thiện thị phần trong danh mục sản phẩm chính, và doanh số cùng lợi nhuận cao hơn của các thương hiệu riêng của BJC”.
Từ quý 2/2023, những điểm sáng của vĩ mô như ngân hàng nhà nước hạ lãi suất, giảm thuế VAT, các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất đã được triển khai, hứa hẹn đem lại các kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp Việt nói chung và Masan nói riêng. Đây cũng sẽ là chất xúc tác tích cực cho dự báo của J.P Morgan về cổ phiếu MSN.