Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt mức tăng trưởng 2,4%, cao hơn so với mức dự báo tăng 2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Các động lực tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý 2 là đầu tư của doanh nghiệp, mua sắm chính phủ, đầu tư tăng hàng đồn kho, và tiêu dùng, dù tiêu dùng đã giảm tốc đáng kể so với quý 1.
Tiêu dùng - lĩnh vực chiếm 2/3 sản lượng kinh tế Mỹ - chỉ tăng trưởng 1,6% trong quý 2, giảm tốc mạnh từ mức tăng 4,2% trong quý 1. Tiêu dùng giảm tốc chủ yếu do người Mỹ giảm chi tiêu vào các hàng hoá lâu bền như ô tô và máy giặt. Trong khi đó, đầu tư của doanh nghiệp tăng 7,7% trong quý 2, tăng tốc mạnh so với mức tăng 0,6% trong quý 1.
Tiêu dùng giảm tốc phản ánh nhu cầu chậm lại trong nền kinh tế Mỹ - điều mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng để đạt được thông qua 11 lần tăng lãi suất trong 12 cuộc họp trở lại đây. Hôm thứ Tư tuần này, Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 5,25-5,5%.
Giới đầu tư đang nghiêng về khả năng Fed dừng chiến dịch tăng lãi suất ở đây, nhưng sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ có thể tạo đủ điều kiện để Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
“Tuy nhiên, Fed sẽ nhìn vào sự giảm tốc của tiêu dùng như một dấu hiệu cho thấy sự giảm nhiêt của nền kinh tế. Bởi vậy, họ sẽ cảm thấy thoải mái với những con số cho thấy sự giảm tốc này, vì Fed muốn khiến cho tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới mức tiềm năng”, nhà kinh tế trưởng Lydia Boussor của EY-Parthenon nhận định.
Tiêu dùng của người Mỹ đã tăng chậm lại so với mức tăng trưởng mạnh mẽ hồi đầu năm nay, nhưng chưa hề có sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng. Đó là nhờ thị trường lao động của Mỹ vẫn thắt chặt và tăng trưởng tiền lương thực tế đang tăng lên.
Trong tháng 6, các nhà tuyển dụng của Mỹ tạo thêm được 209.000 công việc mới, thấp hơn mức tăng của tháng 5, nhưng vẫn cao hơn so với tiêu chuẩn lịch sử. Tiền lương bình quân của người Mỹ cuối cùng đã tăng vượt lạm phát, với tiền lương thực tế theo giờ đã tăng trưởng lần đầu tiên trong 26 tháng trong tháng 6 vừa qua.
“Yếu tố thúc đẩy tiêu dùng hiện nay là thị trường lao động thắt chặt và lạm phát giảm dẫn tới tiền lương thực tế tăng, thay vì việc người tiêu dùng phải dựa vào tiền kích cầu và tiết tiết kiệm”, nhà kinh tế Shannon Seery của Corporate and Investment Bank của Wells Fargo nhận định.
Bởi vậy, trong thời gian tới, tình hình tiêu dùng ở Mỹ sẽ tuỳ thuộc vào tình hình của thị trường lao động nước này. Giới chuyên gia kinh tế nói rằng họ đang chờ xem liệu Fed có thể chống lạm phát thành công mà không khiến thị trường việc làm sa sút.
GDP quý 2 của Mỹ chịu hiệu ứng giảm từ thâm hụt thương mại gia tăng do xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu. Tuy nhiên, áp lực giảm đối với tăng trưởng kinh tế từ phía thị trường bất động sản trong nửa đầu năm nay đã dịu đi nhiều so với nửa sau của năm ngoái.
“Sau một thời gian là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế, thị trường nhà đất có thể đóng góp trở lại cho tăng trưởng trong nửa sau của năm nay, trong bối cảnh tiêu dùng giảm tốc một chút”, nhà kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
Trong tháng 6, doanh số bán nhà mới ở Mỹ giảm 2,5% so với tháng trước, sau khi tăng 6,6% trong tháng 5.
Giới đầu tư ở Phố Wall lạc quan sau khi báo cáo GDP được công bố, vì họ cho rằng chiến dịch chống lạm phát quyết liệt của Mỹ chưa khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Báo cáo GDP quý 2 là một sự hậu thuẫn cho kịch bản hạ cánh mềm. Rõ ràng, Fed chưa gây ra một cuộc suy thoái dù đã tăng lãi suất mạnh trong 1 năm qua, và lạm phát cũng đang giảm xuống. Đây đúng là kết quả mà nhà đầu tư mong muốn”, Giám đốc đầu tư Carol Schleif của BMO Family Office nhận định.
Thị trường tài chính đang đặt cược khả năng 76% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Giới đầu tư và chuyên gia cũng đang tính đến khả năng kinh tế Mỹ không những tránh được suy thoái trong năm nay mà còn có thể tăng tốc vào cuối năm. Trong trường hợp như vậy, xu hướng giảm của lạm phát có thể bị đảo ngược, đồng nghĩa Fed có thể phải tăng lãi suất trở lại.
“Tăng trưởng kinh tế mạnh lên có thể dẫn tới lạm phát cao hơn, đòi hỏi một sự phản ứng phù hợp từ chính sách tiền tệ”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed hôm thứ Tư.