Báo cáo này thể hiện, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2021 đạt 2.653 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp đảo chiều từ lỗ năm ngoái sang năm nay lãi 559 tỷ đồng. Đây là khoản lãi gộp cao nhất mà VietJet có được kể từ khi xuất hiện Covid-19 đến nay. Trước đó, trong quý 1 và quý 2, Vietjet Air lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng mỗi quý.
Đáng lưu ý, trong cơ cấu doanh thu, doanh thu vận chuyển hành khách quý 3/2021 đạt 1.039 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý 3/2020; Doanh thu hoạt động phụ trợ cũng giảm nhẹ còn 1.044 tỷ đồng, tuy nhiên doanh thu khác không được VietJet Air thuyết minh chi tiết tăng mạnh từ 398 tỷ đồng lên 569 tỷ đồng.
Cùng với chi phí bán hàng chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm giúp lợi nhuận thuần của VJC đạt 103 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ đến 927 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, Vietjet Air có lãi trước thuế 103 tỷ đồng và lãi sau thuế 72 tỷ đồng. VietJet Air là hãng hàng không hiếm hoi giữ được khoản lợi nhuận trong khi nhiều hãng khác đều gần như tê liệt vì Covid-19. Đơn cử như Vietnam Airlines, Vietravel Airlines cùng các hãng hàng không khác...
Luỹ kế 9 tháng năm 2021, Vietjet Air đạt doanh thu thuần 10.209 tỷ đồng và báo lãi trước thuế 268 tỷ đồng, lãi sau thuế 194 tỷ đồng. Trong khi 9 tháng năm ngoái, Vietjet lỗ sau thuế hơn 900 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng đại dịch Covid-19 và ngành hàng không tiếp tục gặp khó khăn khi các hãng hàng không tiếp tục bị hạn chế bay theo chỉ thị của Chính phủ nhằm tập trung chống dịch dẫn đến doanh thu hàng không sụt giảm mạnh. Vietjet không phải là ngoại lệ. Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, 11 tháng qua, VJC thực hiện 38.000 chuyến bay, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 50.949 tỷ đồng vào ngày 30 tháng 9 năm 2021, tăng gần 5.000 tỷ so với con số đầu năm. Song lượng tài sản tăng lên lại chủ yếu nằm ở khoản phải thu trong đó khoản phải thu khác không thuyết minh chi tiết đâu đó tăng gần 3.000 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 2.926 tỷ đồng đầu năm còn 1.638 tỷ đồng. Biến động các khoản phải thu tăng mạnh cùng với hàng tồn kho, tiền lãi vay đã trả dẫn đến dòng tiền kinh doanh của VJC âm 5.282 tỷ đồng.
Nợ phải trả 34.020 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, trong đó vay nợ tài chính tăng mạnh 13.400 tỷ đồng, số đầu năm là 11.300 tỷ đồng.
Vietjet Air cho biết, sau khi nhận được Giấy phép ví điện tử từ tháng 7/2021, Vietjet tập trung thực hiện chuyển đổi số, phối hợp Tập Đoàn Sovico tham gia đầu tư hệ thống công nghệ fintech, hệ thống trung gian thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Mặt khác, Vietjet đang tập trung mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính, tạo ra dòng tiền dương bù đắp cho hoạt động hàng không. Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách miễn, giảm một số phí cảng, giãn nộp thuế và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất để các hãng hàng không vượt qua Đại dịch.
Hiện tại, Việt Nam đang có nhiều tín hiệu lạc quan từ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho 100% dân số đến hết năm 2021. Do đó, dự kiến các đường bay nội địa và quốc tế sẽ dần hoạt trở lại từ tháng 1/2022. Hiện tại, hãng đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP. HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hãng cũng đã sẵn sàng cho việc khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2022, Vietjet sẽ mở 3 đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, Tp.HCM và Nha Trang với thủ đô Moskva của Nga, khai thác bằng máy bay A330-300 hiện đại của hãng Airbus. Đây là bước mở đầu trong chiến dịch chinh phục thị trường châu Âu của Vietjet nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kết nối Việt Nam với các nước, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.