Mới đây, cuộc phỏng vấn diễn ra vào tối ngày 12/8 giờ Hoa Kỳ (sáng 13/8 theo giờ Việt Nam) giữa ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk trên mạng xã hội X đã bị trì hoãn hơn 40 phút do nền tảng gặp vấn đề kỹ thuật, theo Yahoo Tech.
Đây không phải sự cố nghiêm trọng đầu tiên mà X gặp phải chỉ trong thời gian ngắn.
Gần nhất, vào tháng 5/2023, Thống đốc Florida Ron DeSantis, từng được coi là ứng viên số một của Đảng Cộng hòa cạnh tranh trực tiếp với ông Donald Trump, cố gắng khởi động cuộc đua vào Nhà Trắng trên nền tảng X với ông Musk. Tuy nhiên, như kết quả không mấy khả quan mà chúng ta đã thấy, một số vấn đề kỹ thuật gây ảnh hưởng đến cuộc phỏng vấn ngay khoảng thời gian đầu, khiến ông DeSantis phải chờ đợi khá lâu trước khi đến phần phát biểu.
Tương tự, cuộc phỏng vấn vào đầu tuần này được cho là cột mốc đặc biệt đánh dấu sự trở lại hoành tráng của cựu Tổng thống Donald Trump trên nền tảng sau khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa bị chủ sở hữu cũ cấm sử dụng kể từ tháng 1/2021. Cuối năm 2022, tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter, đổi tên thành X và khôi phục tài khoản cho cựu Tổng thống Donald Trump.
CUỘC PHỎNG VẤN ĐƯỢC TỔNG DUYỆT NHIỀU LẦN NHƯNG VẪN GẶP LỖI
Trục trặc kỹ thuật dường như là vấn đề đã được CEO Elon Musk chú ý. Một ngày trước phỏng vấn, vị tỷ phú cho biết sẽ thực hiện "loạt bài kiểm tra mở rộng dành cho hệ thống" thông qua Spaces - tính năng trò chuyện bằng âm thanh trên X.
Nhưng ngay cả khi đã đầu tư kỹ lưỡng và chuẩn bị kỳ công, X vẫn không thể giải quyết vấn đề kỹ thuật phát sinh. Theo Reuters, có khoảng 1,3 triệu người theo dõi trực tiếp tại thời điểm nền tảng gặp lỗi.
Chỉ trong vài phút, từ "crashed" (tạm dịch: bị sập) trở thành xu hướng trên X, khi người dùng liên tục đăng bài về sự cố nghiêm trọng này.
Một số tài khoản nhân cơ hội để chỉ trích ông Elon Musk, nhưng cũng có luận điểm cho rằng cuộc phỏng vấn được quan tâm nhiều đến mức "làm sập cả internet".
Tuy nhiên, vị CEO đã nêu đích danh nguyên nhân sự cố là do tấn công mạng. "Dường như có một cuộc tấn công DDoS lớn nhắm vào X", CEO Elon Musk nhấn mạnh.
Cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán, hay còn gọi là DDoS, ám chỉ nỗ lực làm quá tải trang web, khiến trang khó sử dụng hoặc không thể truy cập.
NGUYÊN NHÂN SỰ CỐ
Vẫn chưa thể xác minh chính xác thông tin, nhưng blog công nghệ The Verge cho biết một nguồn thân cận tại X đã thừa nhận không có cuộc tấn công nào.
Trong khi đó, giới chuyên gia đang tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến được đưa ra.
"Rất có thể là cuộc tấn công DDoS", ông Matthew Prince, người đứng đầu công ty bảo mật Cloudflare, nhận định.
Ông Prince chia sẻ: "Chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn" vì X không sử dụng hệ thống của Cloudflare để gia tăng bảo mật cho Spaces, đồng thời tiết lộ Cloudflare đã liên hệ với ông Elon Musk nhằm đề nghị hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Alp Toker, Giám đốc Netblocks, nhận xét lời giải thích của nền tảng truyền thông xã hội về cách khắc phục sự cố "không nhất quán" với đặc trưng của tấn công DDoS.
"Với tuyên bố của ông Elon Musk rằng X phải giới hạn số lượng người nghe trực tiếp để giảm rủi ro, chúng tôi có thể suy ra sự cố ngừng hoạt động có liên quan đến số lượng người nghe trực tiếp", ông Toker nói.
"Giới hạn số lượng người dùng không phải là biện pháp khắc phục thường thấy đối với cuộc tấn công DDoS và cũng không mấy hiệu quả... vì vậy tuyên bố của ông Musk cho thấy nền tảng đang gặp khó khăn từ tổng số lượng người nghe".
Công ty tình báo mạng Cisco ThousandEyes cũng nhận định không có bằng chứng cụ thể nào chúng minh đây là cuộc tấn công mạng.
"Mặc dù chúng tôi không thể nêu rõ nguyên nhân cơ bản của sự việc, nhưng Cisco ThousandEyes không quan sát thấy dấu hiệu thường xuất hiện có liên quan tới cuộc tấn công DDoS, chẳng hạn như tắc nghẽn mạng, mất gói dịch vụ hay độ trễ tăng cao", đại diện công ty cho biết.
KHÔNG ĐỦ NGUỒN LỰC
Có nguyên nhân khác thực tế hơn cho tình hình đang diễn ra là vấn đề cắt giảm quá mức lực lượng lao động của công ty do chính ông chủ mới Elon Musk khởi xướng.
"Spaces từng ‘sập hệ thống’ một lần khi lượng lớn người dùng sử dụng chức năng này cùng lúc", ông Jake Moore, Cố vấn an ninh mạng toàn cầu tại công ty an ninh mạng ESET, cho biết. "Tình trạng có thể đã leo thang từ khi ông chủ Musk quyết định sa thải lượng lớn nhân viên khi nắm quyền kiểm soát nền tảng".
Ông Rashik Parmar, Giám đốc BCS, viện IT Chartered, nhận định ngay cả khi sự cố không đến từ cuộc tấn công mạng, việc "sa thải 80%" kỹ sư sẽ luôn mang đến "tác động đáng kể".
"Kỹ sư là đội ngũ đi đầu trong việc chống lại các mối đe dọa mạng", ông Parmar bày tỏ. "Nếu không đủ nhân sự, khả năng bảo vệ mạng lưới và thông tin người dùng của nền tảng truyền thông xã hội khỏi cuộc tấn công DDoS là rất yếu".
Tuy nhiên, cho dù nguyên nhân xuất phát từ bên thứ ba hay thiếu sót của nền tảng thì kết quả cuối cùng cũng giống nhau.
Cuộc phỏng vấn được tạo ra nhằm thể hiện khả năng mạnh mẽ của nền tảng, khi công ty kỳ vọng một ngày nào đó X sẽ trở thành "ứng dụng sở hữu mọi thứ". Tuy nhiên, sự kiện lại cho thấy nhiều hạn chế kỹ thuật vẫn chưa được khắc phục.