May 14, 2021 | 15:16 GMT+7

Mạnh tay xử lý những đối tượng lợi dụng thông tin đẩy giá bất động sản

Phan Dương -

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có ý kiến về định hướng công tác điều hành giá cả từ nay đến cuối năm 2021. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá bất động sản...

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng; nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

KỊP THỜI XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn có nhiệm vụ rà soát đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu xây dựng giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (về quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án lớn...) để đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản. Công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch. Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Ngoài ra, phải có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và môi trường. Tập trung tổng kết, rà soát, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và môi trường...

GIÁ ĐẤT TĂNG GÂY NHIỀU HỆ LUỴ

Thống kê của nhiều đơn vị quản lý cho thấy, trong thời gian qua, giá đất tại nhiều địa phương đã tăng chóng mặt. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn... cũng xuất hiện phổ biến trên thị trường.

 

"Việc giá đất tăng nóng đã gây ra nhiều hệ luỵ: hút nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia. Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật, làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó".

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Không ít “cò mồi” thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng.

Hiệp hội Bất động sản đánh giá: “Việc giá đất tăng nóng đã gây ra nhiều hệ luỵ: hút nguồn lực của các nhà đầu tư cả nước lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác của quốc gia. Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật, làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng phát triển kinh tế, thậm chí gây bất ổn cho địa phương tại những khu vực đó”.

Đặc biệt, giá đất tăng cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt các chi phí khác tăng theo, nhất là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng... Việc giá đất tăng còn làm tăng chi phí xây dựng nhà ở, gây khó khăn hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời, gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng.

Trong báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định: nhìn chung, thị trường vẫn còn khó khăn và có một số biến động, đặc biệt là việc tăng giá mạnh, trong thời gian ngắn của phân khúc đất nền. Hiện tượng này mới chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, cần có sự theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” bất động sản.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định trong thời gian gần đây, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triền kinh tế - xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.

CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Để chấn chỉnh tình trạng trên, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1454 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu thực hiện triển khai 5 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Thứ hai, công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate