Trong một tập mới đây của chương trình phát thanh “Lex Fridman Podcast” của nhà khoa học máy tính nổi tiếng Lex Fridman, Zuckerberg cho biết anh có thể bắt đầu xây dựng Facebook vào năm 2004 – khi đó anh là sinh viên năm hai của đại học Harvard – không phải vì bỏ học hay từ bỏ các lợi ích của bản thân.
“Tôi có thể làm được vậy nhờ các mối quan hệ cá nhân mà tôi xây dựng được khi còn học ở Harvard”, Zuckerberg, CEO của Meta – công ty mẹ Facebook – chia sẻ.
Theo vị CEO 37 tuổi, ở đại học, việc dành thời gian cùng với ai là “quyết định quan trọng nhất” mà một sinh viên có thể đưa ra.
“Bạn sẽ trở nên giống với những người mà bạn giao du cùng. Tôi cho rằng mọi người thường quá chú trọng vào các mục tiêu mà không tập trung đủ vào các mối quan hệ cũng như những người mà họ đang xây dựng mối quan hệ”.
Zuckerberg gặp các nhà đồng sáng lập Facebook - Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Andrew McCollum - khi cả 5 đang là sinh viên đại học Harvard vào đầu những năm 2000. Họ cùng nhau triển khai ý tưởng tạo ra cuộc cách mạng về mạng xã hội và đưa Facebook – nay là Meta – trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới. Tính tới ngày 18/3, công ty này có vốn hóa 582,58 tỷ USD.
Bộ 5 nhà đồng sáng lập này sau đó đã tan rã với nhiều lùm xùm. Tuy nhiên, trong chương trình phát thanh trên, Zuckerberg chia sẻ rằng hiện tại, anh vẫn cố gắng ưu tiên các mối quan hệ hơn so với các mục tiêu. Điều đó đặc biệt áp dụng cho việc tuyển dụng.
“Khi đánh giá một ứng viên, tôi tưởng tượng mình sẽ làm việc cho họ như thế nào, thay vì là sếp của họ”, Zuckerberg nói. “Tôi sẽ chỉ tuyển dụng một người về làm việc cho tôi nếu như tôi thấy bản thân mình có thể làm việc cho họ”.
Ông chủ Facebook nhấn mạnh rằng chiến lược này tạo ra môi trường làm việc gắn kết và hiệu quả hơn.
“Nếu bạn làm việc với những người cùng chia sẻ các giá trị với mình, tất cả sẽ có thể cùng nhau đạt được mục tiêu công việc một cách suôn sẻ. Điều quan trọng là tìm kiếm sự phù hợp các nhân, không khác gì việc chọn lựa bạn bè hay đối tác”, anh chia sẻ.
Việc ưu tiên mối quan hệ thay vì mục tiêu cũng có thể giải thích một vài quyết định gây tranh cãi của Zuckerberg dưới cương vị lãnh đạo Facebook. Ví dụ, trong một biên bản ghi nhớ bị rò rỉ vào năm 2016 đăng tải trên Hacker News, Zuckerberg đã bảo vệ thành viên hội đồng quản trị lúc đó là Peter Thiel – một người đóng góp lớn trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump.
Theo tài liệu này, Zuckerberg nói rằng việc giữ Thiel lại hội đồng quản trị quan trọng hơn bất kỳ tác động nào mà công ty có thể đối mặt. Vị CEO lập luận rằng Facebook “không thể tạo ra một nền văn hóa nói rằng họ quan tâm đến sự đa dạng rồi sau đó loại trừ gần một nửa quốc gia vì họ ủng hộ một ứng cử viên chính trị”.
Động thái này có thể gây ra hậu quả. Nhiều người chỉ trích Zuckerberg tin rằng sự trung thành của vị CEO này với Thiel – một nhà đầu tư sớm của Facebook – có thể ảnh hưởng tới cách Facebook theo dõi - hoặc bỏ qua - thông tin sai lệch trên nền tảng này trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và 2020.
Năm 2019, một cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal tiết lộ rằng Thiel là một trong những người đã gây áp lực buộc Zuckerberg không kiểm tra những quảng cáo chính trị trên Facebook. Năm đó, ba thành viên lâu năm của hội đồng quản trị Facebook đã rời công ty. Các nhà lập pháp của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa từ đó đều chỉ trích cách Facebook quản lý nội dung trên nền tảng của mình.