Sau gần nửa năm kể từ khi Virginie Viard từ giã Chanel, từ tháng trước chiếc ghế giám đốc sáng tạo bắt đầu được đồn đoán sẽ trao cho Matthieu Blazy. Nhà mốt Pháp đã ra mắt nhiều bộ sưu tập liên tiếp kể cả khi chiếc ghế quan trọng bị bỏ trống, và mặc cho giới truyền thông ra sức bàn tán về những tên tuổi dày dặn kinh nghiệm như Hedi Slimane, Sarah Burton, Pierpaolo Piccioli, hay Jeremy Scott…
Thương hiệu xa xỉ Pháp chỉ tiết lộ một thông tin duy nhất là sẽ công bố giám đốc sáng tạo vào giữa tháng 12/2024. Chủ tịch Chanel, ông Bruno Pavlovsky, đã tiết lộ trước giới truyền thông sau show diễn Haute Couture Thu - Đông 2024 rằng: “Thực tế là nếu muốn ngồi vào vị trí không phải ai cũng ngồi được, bạn cần thỏa hiệp với những tiêu chí khắt khe. Người được chọn sẽ phải tuân thủ những mã code truyền thống và gạt bỏ đi cái tôi đầy tính sáng tạo”.
Cuối cùng, đúng như tin đồn, Chanel cuối cùng đã chấm dứt nhiều tháng mong đợi của giới mộ điệu bằng cách công bố Matthieu Blazy là giám đốc sáng tạo mới của thương hiệu, chịu trách nhiệm từ các bộ sưu tập thời trang cao cấp, ready-to-wear cho đến các dòng phụ kiện… kể từ đầu năm 2025. Nhà mốt biểu tượng của Pháp đã công bố tin tức này vào ngày 12/12 vừa qua, đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử thời trang.
"Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được gia nhập Ngôi nhà tuyệt vời của Chanel", nhà thiết kế năm nay mới bước qua tuổi 40, nói. "Tôi mong muốn được gặp gỡ tất cả các đội ngũ và cùng nhau viết nên chương mới này". Tin tức này được đưa ra gần như cùng lúc với việc Blazy chính thức tuyên bố rời Bottega Veneta, một vị trí mà anh đã đảm nhiệm từ năm 2021. Trong một động thái chiến lược, thương hiệu Ý tuyên bố Louise Trotter sẽ là người kế nhiệm.
Trong thông báo mới nhất của thương hiệu, Giám đốc điều hành toàn cầu của Chanel gọi Matthieu Blazy là “một trong những nhà thiết kế tài năng nhất ở thời điểm hiện tại”. “Tầm nhìn và tài năng của anh ấy sẽ củng cố năng lượng và vị trí dẫn đầu trên đường đua xa xỉ của thương hiệu. Dưới sự lãnh đạo của Bruno Pavlovsky, chúng tôi tự tin rằng Matthieu Blazy sẽ tiếp tục định hình những gì tiếp theo và viết một trang mới trong sáng tạo của Chanel”.
“Bằng tính cách táo bạo, khả năng tiếp cận sáng tạo và sự cống hiến của mình, tôi tin Matthieu Blazy sẽ tạo ra những cuộc đối thoại mang đậm di sản của Chanel, từ các thiết kế thủ công trong xưởng vẽ cho đến BST Maisons D’Art của thương hiệu”, Chủ tịch Bruno Pavlovsky nhấn mạnh thêm. “Chúng tôi hy vọng sẽ ở bên nhau trong 10, 15 năm hoặc lâu hơn nữa. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu câu chuyện của mình. Cùng nhau, chúng tôi sẽ có thể viết nên một chương mới cho thương hiệu”.
Theo Vogue Business, thẩm mỹ của Matthieu Blazy đã chinh phục giới khách hàng thượng lưu – một trong những quân bài khiến Chanel muốn gấp rút thâu tóm. Nhà thiết kế sinh năm 1984 đầu quân cho Bottega Veneta vào tháng 11/2021, dưới thời hoàng kim của người tiền nhiệm Daniel Lee. Anh chinh phục nhà mốt nước Ý bằng một CV lý tưởng khi làm việc tại hàng loạt nhà mốt đình đám Raf Simons, Maison Margiela, Celine, Calvin Klein…
Khi Daniel Lee rời đi, rất nhiều người e ngại cho số phận của Bottega Veneta. Song, Matthieu Blazy đã không làm giới mộ điệu thất vọng khi tiếp quản và khiến Bottega Veneta trở thành một nhà mốt nghệ thuật, chạm được đến trái tim của nhóm khách hàng siêu giàu. Doanh số của Bottega Veneta vẫn tăng vùn vụt.
Trong quý 3/2024, doanh thu của Bottega Veneta đạt 397 triệu Euro, tăng 4% theo báo cáo và tăng 5% theo số liệu so sánh. Thương hiệu Ý cũng là thương hiệu duy nhất xuất sắc giữ vững phong độ ở tập đoàn Kering năm nay, trong khi nhiều thương hiệu cộm cán hơn như Gucci, Saint Laurent đã phải chào thua.
Qua bàn tay giám đốc sáng tạo này, thương hiệu Bottega Veneta khoác lên mình sự quý phái của Quiet Luxury (xa xỉ thầm lặng) và Old Money (quý tộc lâu đời) – kể cả trước khi những từ khoá này trở thành xu hướng. Tại đây, anh cũng được khen ngợi vì cách tiếp cận tối giản và thanh lịch, đồng thời tái hiện lại nghề thủ công Ý bằng những tác phẩm hiện đại được toàn thể giới mộ điệu ao ước. Nhà thiết kế này cũng có khả năng tạo ra những món phụ kiện hot chứ không chỉ thành công với thời trang, hứa hẹn sẽ góp phần làm tăng sự phong phú cho bộ sưu tập túi xách của Chanel.
Gu thời trang được đánh giá cao, sản phẩm của Matthieu Blazy cũng rất thành công về mặt thương mại. Điển hình, phải gọi tên dòng túi xách Andiamo được chế tác từ da đan intrecciato kinh điển của Bottega Veneta. Những thành công khác bao gồm túi Sardine với quai xách hình con cá bằng kim loại vàng, túi Kalimero có kỹ thuật đan intrecciato phức tạp, và túi Hop rộng rãi.
Dưới sự lãnh đạo của Matthieu Blazy từ tháng 11/2021, thương hiệu xa xỉ nước Ý chinh phục những người nổi tiếng hạng A bao gồm Jacob Elordi, Julianne Moore, ASAP Rocky, Dương Tử Quỳnh và Kendall Jenner. Bên cạnh đó, anh còn để ý đến lục địa đen – một nơi mà giới thời trang hiện không quá để mắt đến.
Vào tháng 6/2024, Matthieu Blazy đã tôn vinh di sản văn hóa châu Phi khi đồng ra mắt tờ tạp chí Air Afrique Magazine. Sử dụng sức mạnh thương hiệu để quảng bá cho tờ tạp chí mới. Matthieu Blazy còn đặt hàng một thành viên của studio Bottega Veneta là NTK người Pháp-Sudan Abdel El Tayeb tạo ra một loạt chăn phiên bản giới hạn dành riêng cho Air Afrique. Các sáng tác độc đáo của El Tayeb, với chất liệu len, da bạc và lông cừu lấy cảm hứng từ di sản Sudan.
Trong khi đó, Chanel là nhà mốt có cội rễ sâu xa trong lịch sử thời trang. Biểu tượng của nó – chiếc váy đen nhỏ, bộ đồ vải tweed, dây chuyền ngọc trai hay thậm chí là chiếc túi 2.55 – đều là những biểu tượng mà ngời nào ngồi vào vị trí giám đốc sáng tạo phải biết cách diễn giải lại một cách sáng tạo. Chưa kể, cái bóng của Karl Lagerfeld, người đã lãnh đạo thương hiệu trong hơn ba thập kỷ, vẫn hiện diện khắp nơi, cũng như tầm nhìn đương đại hơn do Virginie Viard áp dụng cũng đã khá quen thuộc với khách hàng.
Matthieu Blazy, với con mắt tinh tường và cách tiếp cận tôn trọng truyền thống, có thể chứng tỏ mình là người phù hợp với vị trí này hơn bất cứ ai. Nhờ sự bổ nhiệm này, Matthieu Blazy không chỉ có thể thu hút một thế hệ người tiêu dùng mới mà còn định vị lại nhà mốt trong cuộc đối thoại tiên phong hơn với các đối thủ như Dior hay Gucci.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không phải là không có những thách thức. Chanel là một nhà mốt có lượng khách hàng khó tính, gắn liền với chủ nghĩa cổ điển nhất định. Nhà thiết kế sẽ phải điều hướng giữa sự đổi mới và tính liên tục, đồng thời thể hiện tinh thần của Gabrielle Chanel và sự táo bạo đã khiến bà cùng thương hiệu thời trang do bà sáng lập trở nên vang danh toàn cầu.