March 10, 2011 | 10:43 GMT+7

“Méo mặt” vì mua nhà bằng USD

Ngô Trang

Nhiều khách hàng hiện đang "khóc dở mếu dở" vì đã lỡ đặt bút ký vào hợp đồng “mua nhà bằng Đô”

Keangnam Tower - một trong những dự án được chủ đầu tư niêm yết giá bán bằng USD.
Keangnam Tower - một trong những dự án được chủ đầu tư niêm yết giá bán bằng USD.
Không lâu sau đợt điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khách hàng đã "khóc dở mếu dở" vì đã lỡ đặt bút ký vào hợp đồng “mua nhà bằng Đô”.

Điều đáng nói ở đây là việc niêm yết, giao dịch bất động sản bằng ngoại tệ đã bị luật pháp “cấm cửa” từ rất lâu, đặc biệt là sau vụ khiếu kiện của nhiều khách hàng hồi cuối năm 2010. Song khi mà việc thực thi những quy định của pháp luật có phần chưa nghiêm, trong bối cảnh nguồn cung bất động sản vẫn hạn chế thì việc cấm cứ cấm, làm vẫn cứ làm cũng là điều dễ hiểu.

Cấm cũng như không

Với những người đã và đang tham gia các hoạt động giao dịch, mua bán địa ốc, chuyện chào giá, niêm yết và đến cả thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) đã không còn là chuyện mới mẻ hay lạ lẫm nữa.

Những tưởng sau vụ kiện cáo rùm beng của hàng trăm khách hàng tại dự án Hattoco của Công ty Đầu tư và Xây dựng Ba Đình hồi cuối năm 2010, chuyện mua – bán nhà bằng USD sẽ được dẹp bỏ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và cũng là để triệt để chống “đô la hóa” trong nền kinh tế.

Thế nhưng, cho dù Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định, có công văn nhắc nhở các chủ đầu tư cần phải niêm yết, bán nhà bằng đồng nội tệ... nhưng hầu như tất cả các chủ đầu tư địa ốc vẫn phớt lờ. Động thái này dường như càng được “cổ vũ” khi tỷ giá giữa USD/VND được điều chỉnh hơn 9% vào đầu tháng 2 vừa qua.

Chẳng phải đâu xa, ngay cả những dự án có tiếng tăm trên địa bàn Hà Nội vẫn được chủ đầu tư niêm yết giá bán bằng USD, chẳng hạn như hai dự án tại Hà Đông là  Hill State và Mulberry Lane được chào bán từ 1.500 – 2.500 USD/m2. Những dự án cao cấp lại càng được các chủ đầu tư tiến hành niêm yết bằng USD, trong đó có Tricon Tower, Indochina Plaza, Royal City... đều có giá từ 1.900 – 3.500 USD/m2.

Không chỉ niêm yết bằng ngoại tệ, một số chủ đầu tư bất động sản trên địa bàn Hà Nội đã “thẳng tay” buộc khách hàng phải thanh toán bằng USD nếu không muốn hợp đồng bị hủy bỏ và mất trắng khoản tiền hàng trăm triệu đã đặt cọc hay đóng theo tiến độ dự án.

Bà Hoàng Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, bà có ký hợp đồng mua căn hộ tại một dự án khá nổi tiếng trên mặt đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) vào cuối 2010. Khi ký hợp đồng, bà có đọc kỹ và có thấy điều khoản là “thanh toán bằng VND”, nhưng kèm theo đó là điều kiện “giá thanh toán trên được đảm bảo bằng USD. Trong trường hợp tỷ giá biến động quá 2% thì chủ đầu tư có quyền điều chỉnh giá bán theo tiến độ thanh toán”.

“Khi đó tôi cũng băn khoăn và thắc mắc với bộ phận bán hàng nhưng họ bảo rằng, đó chỉ là ghi cho đầy đủ và cho đúng với thông lệ quốc tế. Còn mấy khi tỷ giá biến động quá 2% đâu mà chị lo. Đợt vừa rồi, đọc báo thấy tỷ giá điều chỉnh tăng 9,3% tôi mới giật bắn người và kết quả là mất thêm 50 triệu động cho đợt đóng tiền lần thứ 3”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, bạn bè, đồng nghiệp của bà mua nhà tại các dự án chung cư trong thời gian qua, phần lớn đều rơi vào tình cảnh tương tự . Đáng tiếc là không ít người trong số đó đều khá mơ hồ về chuyện nội tệ, ngoại tệ khi thanh toán bởi phần lớn xưa nay đều thấy người ta to nhỏ với nhau theo kiểu “dự án này, dự án kia mấy nghìn Đô/m2”.

Nói một đường...

Thực tế, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hồi đầu tháng 2 vừa qua, người viết bài này đã liên hệ với một số chủ đầu tư bất động sản. Câu trả lời nhận được khi đó đa phần là “tỷ giá điều chỉnh không ảnh hưởng đến giá bán, lợi nhuận của chúng tôi”. Do vậy, khách hàng có thể yên tâm là không có sự điều chỉnh giá bán do tác động của tăng tỷ giá bởi những rủi ro này đã được chủ đầu tư tính toán hết vào giá bán ban đầu.

Thế nhưng, dường như tất cả những gì diễn ra trong thời gian qua lại đi ngược với những tuyên bố của các chủ đầu tư trước đó. Rất nhiều khách hàng mua căn hộ, đất dự án trên địa bàn Hà Nội cho biết, trong thông báo đóng tiền theo tiến độ tới đây, gần như 100% chủ đầu tư đều khẳng định giá bán sẽ có sự điều chỉnh tăng do tỷ giá tăng.

Theo ông Rudolf Hever, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua cũng đồng nghĩa với việc đồng tiền nội tệ mất giá thêm 9,3%. Và trong trường hợp này thì chủ đầu tư và khách hàng sẽ có quyền lợi trái ngược nhau.

Ông Rudolf Hever cho rằng, thực tế với những chủ đầu tư có uy tín và kinh nghiệm, họ có thể tránh một số tác động của việc tiền đồng giảm giá một cách tự nhiên bằng cách nỗ lực giao dịch thanh toán theo tiền đồng, tìm kiếm các đối tác cung cấp vật liệu trong nước và ký hợp đồng lao động bằng tiền đồng sẽ có thể giúp giảm thiểu tác động của việc tiền đồng mất giá.

Thế nhưng, trên thực tế, rất ít công ty hoạt động thành công mà không cần tham gia vào thương trường quốc tế, đó là chưa nói đến những dự án có sự tham gia của đối tác nước ngoài hay dự án 100% vốn ngoại.

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản là thị trường có giá trị vốn hóa cao, nhạy cảm, lại liên quan đến đại đa số người dân. Chính vì vậy, những chính sách, quy định liên quan đến điều chỉnh hành vi của các đối tượng tham gia trên thị trường cần phải đầy đủ, cụ thể và chi tiết đối với từng điều khoản. Việc nghiêm cấm giao dịch bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định bằng luật pháp nhưng đáng tiếc là tính hiệu lực của quy định này dường như lại bằng không.

Khi đem những phản ánh của khách hàng tới một số vị có trách nhiệm trong quản lý thị trường bất động sản, câu trả lời mà VnEconomy nhận được là “chủ đầu tư họ đưa ra điều khoản đó trong hợp đồng, nếu khách hàng không đồng ý thì không ký. Còn nếu đã ký thì coi như chấp thuận theo ý của chủ đầu tư vì không ai có thể ép buộc họ ký hợp đồng hết”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate