Dù việc từ bỏ hoàn toàn các trang phục may mặc thông thường là một viễn cảnh phi thực tế nhưng thời trang kỹ thuật số vẫn đang từng bước thay đổi ngành công nghiệp thời trang và được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 50 tỷ USD vào năm nay. Không chỉ vậy, thời trang kỹ thuật số còn đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững, giảm thiểu việc sản xuất thừa thãi hàng may mặc, qua đó góp phần bảo vệ môi trường.
Tại tuần lễ thời trang London, khách tham dự có thể xem các bộ sưu tập mới trong các showroom ảo. Thậm chí, người dùng có thể thử ngay trang phục trong các bộ sưu tập nhờ ứng dụng trên điện thoại thông minh.
"Chúng tôi đặt các biển quảng cáo quanh London, chỉ cần quét mã, nhìn vào điện thoại, bạn sẽ thấy mình đang mặc thiết kế của chúng tôi. Và thật phi thường khi thấy mọi người trên xe buýt, người đi bộ trên đường phố bỗng nhiên trình diễn trang phục của chúng tôi như những người mẫu trên sàn catwalk" - bà Leanne Elliott Young, Quản lý Học viện Thời trang kỹ thuật số tại London, cho biết.
Còn tại Tuần lễ thời trang New York, Jonathan Simkhai là nhà thiết kế đầu tiên của ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 2022 sử dụng công nghệ metaverse. Simkhai hợp tác với nhà phát triển Everyrealm và nhà sản xuất Blueberry Entertainment tạo nên tác phẩm bên trong nền tảng đa phương tiện trực tuyến Second Life. Nền tảng này cho phép người dùng tạo hình đại diện cho chính họ và có cuộc sống thứ hai trong thế giới ảo.
Show thời trang của Simkhai tung ra 11 mẫu trang phục được mô phỏng bằng kỹ thuật số. Ngoài quần áo và người mẫu ảo, tác phẩm còn đem tới hình ảnh các ngôi sao, nhà báo, người có tầm ảnh hưởng. Song song, Everyrealm điều phối sản xuất và tổ chức bán NFT được chọn lọc từ bộ sưu tập hôm 16/2.
Bên cạnh Simkhai, Roksanda cũng hợp tác Clearpay cùng Viện Thời trang Kỹ thuật số, tham gia vũ trụ ảo với buổi trình diễn thời trang dưới dạng NFT. Áp dụng công nghệ hiện đại, Roksanda hy vọng mang số hóa, khả năng tiếp cận và đổi mới cho những người yêu thời trang ở khắp mọi nơi. Tác phẩm cho phép người dùng truy cập hữu hình vào thời trang cao cấp - điều trước đây họ không thể có được. Chức năng AR cũng được tạo ra, cho phép khách hàng có thể dùng thử sản phẩm ngay trên NFT.
Gần đây nhất, Tuần lễ thời trang Paris nữ Thu - Đông năm nay có sự góp mặt của 95 thương hiệu thời trang lớn của thế giới, trong đó 13 nhà mốt tham gia theo hình thức trực tuyến do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuần lễ thời trang năm nay có màn ra mắt ấn tượng của thời gian kỹ thuật số phục vụ cho metaverse. Các sinh viên thuộc Học viện Thời trang Pháp đã có bài giới thiệu trực tuyến kết hợp trực tiếp về những sáng tạo ảo trong lĩnh vực thời trang sẵn sàng ứng dụng trong cuộc sống kỹ thuật số tương lai.
Cô Laure Manhes - một thạc sĩ về thời trang - chia sẻ: "Metaverse đang trong quá trình xây dựng và sẽ còn tiếp tục phát triển. Điều quan trọng là phải chuẩn bị sẵn sàng cho xu hướng này. Chúng ta đang có những lợi thế về mặt logic để phá bỏ các rào cản giữa các bộ trang phục thực tế và trang phục ảo. Thời trang kỹ thuật số cho phép những người trẻ tuổi cũng có thể tạo dựng chỗ đứng mà không cần bỏ ra quá nhiều chi phí để may quần áo thực sự".
Trong bối cảnh hiện nay khi việc phòng ngừa dịch Covid-19 đã được nới lỏng ở châu Âu, các nhà mốt lớn như Dior, Chanel và Hermes sẽ có thể tổ chức các buổi trình diễn catwalk trực tiếp trong Tuần lễ thời trang nữ Thu - Đông 2022, trong khi một số thương hiệu lại lựa chọn việc kết hợp cùng lúc giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp để giới thiệu đến người mua và giới truyền thông. Một trong những nhà mốt dẫn đầu việc lựa chọn cách làm này phải kể tới Issey Miyake, Nhật Bản.
Sau Tuần lễ thời trang thường niên tại các thành phố lớn như Paris, Milan, London và New York… sẽ đến tuần lễ thời trang ảo của Decentraland. Hợp tác với UNXD – một thị trường sang trọng được xây dựng trên mạng blockchain Polygon cũng là công ty gần đây gần đây đã tổ chức bộ sưu tập quần áo NFT đầu tiên của Dolce & Gabbana, Decentraland sẽ trình làng một sàn runway ảo trong bốn ngày từ 24 đến 27/3 sắp tới.
Trong một dòng Tweet, Decentraland và UNXD cũng đã kêu gọi tất cả các nhà thiết kế, thương hiệu cũng như tín đồ thời trang chuẩn bị cho một loạt sự kiện hấp dẫn như pop-up cửa hàng, sàn runway, và trải nghiệm cùng những bữa tiệc tưng bừng, đồng thời cũng đẩy mạnh hashtag #mvfw2022.
Nền tảng ảo trên Decentraland’s Fashion District gần đây đã được bán với giá 2,4 triệu USD và theo Market Insider, việc kinh doanh thời trang kỹ thuật số trong siêu thị được ước tính trị giá 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Các thương hiệu thời trang cao cấp từ Gucci đến Balenciaga đã và đang bắt tay vào các bộ sưu tập kỹ thuật số cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty trò chơi điện tử như Roblox, Fortnite, avatar và bán NFT.
New York Times cho rằng Covid-19 đã thôi thúc làng mốt hạn chế số lượng sản phẩm và chuyển sang sản phẩm ảo ngay từ năm ngoái. Tháng 9/2021, Dolce & Gabanna tung ra Collezione Genesi - bộ sưu tập NFT gồm chín sản phẩm hợp tác với nền tảng UNXD. Năm trong số chín sản phẩm là thiết kế vật lý và mã hóa, bốn sản phẩm còn lại là kỹ thuật số độc quyền. Ngay sau buổi trình diễn Alta Moda tại Venice, hàng chục nghìn nhà đấu giá đã đăng ký để chờ đợi mua các sản phẩm độc đáo này. Kết quả, nhà mốt Italy kiếm được 1.885.719 ETH, tương đương 5,7 triệu USD.
Các chuyên gia tin rằng metaverse giúp cho các nhà mốt có khả năng bán ra nhiều hơn những sản phẩm độc lạ, kể cả khi chỉ mang hình dạng ảo. Trang phục ảo là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến cho ngành công nghiệp thời trang bị trì trệ hơn một năm qua cũng như vấn đề chung về tính bền vững trong thời trang. Ý tưởng về NFT, metaverse giúp cho ngành thời trang thu về lợi nhuận mà không cần đến bất kỳ sản phẩm vật lý nào.