Vụ mía đường 2009 - 2010 kết thúc với những thống kê ảm đạm, tổng sản lượng đường chỉ đạt 904.000 tấn, giảm 5.000 tấn so với niên vụ trước, tỷ lệ phát huy công suất chế biến của các nhà máy chỉ đạt 61,2% so với thiết kế.
Tất cả các chỉ tiêu đặt ra cho ngành mía đường đều đã không đạt kế hoạch.
Thiếu nguyên liệu gay gắt
Ngày 11/5, hội nghị “Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ
2009-2010 và giải pháp phát triển trong thời gian sắp tới” đã diễn ra
tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Bùi Bá Bổng.
Ông Phan Huy Thông, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết, ngay từ đầu vụ, ngành mía đường đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía, dự kiến tăng 12.620 ha (6%) so với vụ trước. Tuy nhiên, điều trái ngược là diện tích mía cả nước khi kết thúc vụ chỉ đạt 265.136 ha, giảm 5.464 ha so với năm trước. Diện tích mía giảm chủ yếu ở vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy, hiện chỉ còn 242.413 ha, giảm 5.307 ha.
Theo thống kê trung bình hàng năm, năng suất mía những năm gần đây đạt bình quân 60 tấn/ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của các nhà máy trên cơ sở tổng diện tích thu hoạch và sản lượng mía được thu mua, thì năng suất mía nguyên liệu thực tế bình quân niên vụ 2009-2010 chỉ đạt 51,7 tấn/ha.
Tổng sản lượng mía các nhà máy đường thu mua được là 9.747.800 tấn, chỉ đáp ứng được 61,2 tổng công suất thiết kế của các nhà máy. Trong số 40 nhà máy đường: chỉ có 2 nhà máy có đủ nguyên liệu; 13 nhà máy hoạt động dưới 50% công suất, thậm chí cá biệt Công ty đường Tuyên Quang chỉ đạt được 21% công suất; Công ty Suger Việt Nam chỉ đạt 15,5% công suất.
Trong 3 năm qua, các công ty đã đầu tư nâng tổng công suất từ 86.500 tấn mía/ngày lên 105.700 tấn mía/ngày, nhưng diện tích mía, năng suất và sản lượng mía ngày càng sụt giảm dẫn đến tình trạng khan nguyên liệu gay gắt.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, tất cả các chỉ tiêu đặt ra cho ngành đường đều không đạt được. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Mía đường đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 như diện tích mía 300.000 ha; năng suất mía bình quân 65 tấn/ha; chữ đường bình quân 11 CCS; sản lượng mía cả nước 19,5 triệu tấn; tổng sản lượng đường sản xuất 1,5 triệu tấn (trong đó sản lượng đường công nghiệp đạt 1,4 triệu tấn).
Nhưng các chỉ tiêu thực tế năm nay đạt được là: diện tích mía 265.000 ha (thấp hơn 11,7% so với kế hoạch); năng suất mía bình quân 51,7 tấn/ha (thấp hơn 20,5%); chữ đường bình quân chỉ đạt 9,7 CCS (thấp hơn 11,8%); tổng sản lượng mía chỉ đạt 13,7 triệu tấn (thấp hơn 29,7%); tổng sản lượng đường công nghiệp chỉ đạt 904 nghìn tấn (thấp hơn 35,4%), thiếu khoảng 300 nghìn tấn so với nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, riêng tổng công suất thiết kế của các nhà máy đường lại vượt tới 7% so với quy hoạch, đã gây ra sự lãng phí rất lớn.
Ông Phan Huy Thông nêu vấn đề, các nhà máy đường cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu mua mía, không căn cứ vào chữ đường, khiến nhiều nông dân bán mía non, dẫn đến năng suất thu hoạch mía thấp. Giá thu mua mía chênh lệch quá lớn giữa các vùng miền: mía ở miền Bắc có chữ lượng đường cao, nhưng chỉ được mua với giá 600.000-700.000 đồng/tấn; nhưng ở đồng bằng sông Cửu Long là nơi chất lượng mía kém hơn thì giá mua lại được đẩy lên tới 900.000-1.000.000 đồng/tấn. Nguyên do là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà máy không có vùng nguyên liệu riêng, nên tranh nhau mua mía, dẫn đến hiệu quả kinh doanh mất ổn định.
Ngoài ra, ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng cơ chế đầu tư rất khác nhau giữa các nhà máy đường, có doanh nghiệp ứng trước vốn cho nông dân mua giống, phân bón; có doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kỹ thuật canh tác; nhiều doanh nghiệp không đầu tư cho nông dân mà đưa ra chính sách mua giá cao.
Khi đó, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra đầu tư hỗ trợ nông dân thì không thể mua mía giá cao, khi thu hoạch thì nông dân lại đem bán cho các nhà máy khác có giá mua cao hơn, gây ra tình trạng các nhà máy ngày càng thờ ơ với việc đầu tư vùng nguyên liệu và hỗ trợ nông dân trồng mía.
Cấp thiết nâng cao năng suất và chất lượng mía
Theo ông Phan Huy Thông, có nhiều nguyên nhân khiến năng suất thấp mía của Việt Nam thấp như tỷ lệ giống cũ trong canh tác chiếm tới 60%; khâu làm đất sử dụng các máy công suất nhỏ nên độ sâu của đất kém; hầu hết mía trồng trên đất đồi bãi nên không được tưới nước, hiện mía được tưới nước chưa tới 6,4% tổng diện tích.
Nhà nước đã đầu tư Dự án phát triển giống mía năng suất cao, giao cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Mía đường thực hiện, những năm qua đã nhập khẩu rất nhiều giống tốt về khảo nghiệm thành công. Nhưng trong tổng số 2.700 tấn giống mía tốt do Trung tâm này sản xuất, có tới 1.610 tấn mía giống đã phải hủy bỏ vì không bán được. Nông dân trồng mía không chịu đầu tư mua giống, vẫn giữ thói quen tự để giống mía cho vụ sau, khiến giống mía trồng ngày càng suy thoái.
Kế hoạch đề ra cho niên vụ mía đường 2010-2011 là các địa phương phải tích cực chỉ đạo mở rộng diện tích trồng mía, nhằm đưa diện tích mía lên 278 nghìn ha, tăng 13 nghìn ha so với vụ mía năm nay. Sản lượng mía nguyên liệu vụ tới phấn đấu đạt 11 triệu tấn, đáp ứng 69% công suất của các nhà máy đường.
Định hướng đến năm 2015, phát triển ổn định diện tích mía cả nước 300 nghìn ha; đưa năng suất bình quân lên 65 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu 17,2 triệu tấn; sản lượng đường 1,75 triệu tấn, đáp ứng đủ nguyên liệu trong nước và có thể dư thừa để xuất khẩu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate