Lãnh đạo phe ly khai ở vùng Donetsk thuộc miền Đông Ukraine ngày hôm qua (12/5) đã chính thức đề nghị được trở thành một phần của nước Nga. Trước đó, phe ly khai công bố chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần và Moscow tuyên bố tôn trọng kết quả này.
Theo tờ Wall Street Journal, động thái trên của phe ly khai đã vượt quá vấn đề độc lập được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý, đồng thời đẩy đất nước Ukraine tới nguy cơ bị chia rẽ và rơi vào một cuộc nội chiến. Những diễn biến mới này gợi nhớ lại những gì diễn ra trên bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm nay. Sau một cuộc trưng cầu dân ý với chiến thắng thuộc về phe thân Nga, bán đảo này đã sáp nhập vào Nga.
Tuy vậy, một cách phản ứng khác của nước Nga bắt đầu xuất hiện. Mặc dù tuyên bố tôn trọng kết quả các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk và Luhansk, Moscow hiện vẫn im lặng trước lời đề nghị xin gia nhập Nga của phe ly khai. Ngoài ra, kênh truyền hình quốc gia không đưa nhiều thông tin về vấn đề này, trái ngược với việc đưa tin rầm rộ về Crimea trước kia.
Các hành động của Nga trước và sau cuộc bỏ phiếu lần này cũng khiến giới quan sát khó hiểu. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi phe ly khai ở miền Đông Ukraine hoãn cuộc trưng cầu dân ý lại. Ngày hôm qua, điện Kremlin lại thúc giục Chính phủ thân phương Tây ở Kiev đàm phán với các phần tử nổi dậy về thực thi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp cả phe ly khai và Kiev không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Mỹ và phương Tây xem cuộc trưng cầu dân ý ở miền Đông Ukraine là bất hợp pháp, đồng thời phê phán ông Putin không dùng ảnh hưởng của Nga để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney hôm qua nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở miền Đông Ukraine là “điềm báo không lành” cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 ở nước này.
“Nếu có những nỗ lực phá hoại cuộc bầu cử và Nga chịu trách nhiệm cho những nỗ lực đó hoặc không dùng ảnh hưởng của mình để ngăn những nỗ lực đó, thì Nga sẽ bị cộng đồng quốc tế nhìn nhận theo hướng rất xấu”, ông Carney nói.
Cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Putin đã có cuộc nói chuyến với Tổng thống Thụy Sỹ Didier Burkhalter, quyền Chủ tịch Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSEC). Điện Kremlin cho biết, ông Putin đã thúc giục OSCE giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine “bằng cách thiết lập đối thoại trực tiếp giữa chính quyền ở Kiev và các đại diện ở miền Đông Nam Ukraine”.
Những diễn biến này khiến giới phân tích tin rằng, trong ngắn hạn, Moscow sẽ không sáp nhập vùng Đông Nam của Ukraine, khu vực thiếu tầm quan trọng chiến lược về quân sự như bán đảo Crimea, mà thay vào đó sẽ gây sức ép buộc Kiev phải từ bỏ các tham vọng ở châu Âu.
Nga đã kêu gọi Ukraine thay đổi hiến pháp, cho phép nước này trở thành một liên bang với các khu vực được trao quyền tự quyết lớn hơn. Các quan chức Nga cho rằng, cấu trúc như vậy sẽ trao nhiều quyền hơn cho người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Kiev và phương Tây xem mô hình liên bang là nỗ lực của Moscow nhằm củng cố sự kiểm soát đối với Ukraine thông qua các nước cộng hòa nằm bên trong biên giới Ukraine. Như vậy, việc Ukraine hội nhập sâu hơn vào châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Denis Pushilin, một trong các nhà lãnh đạo ly khai, công bố Cộng hòa Nhân dân Donetsk là một nhà nước độc lập, có chủ quyền, và xin gia nhập Nga chỉ vài giờ sau khi điện Kremlin ra tuyên bố nói tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý. “Với nguyện vọng của người dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk và sự cần thiết phải bảo tồn công lý của lịch sử, chúng tôi đề nghị Liên bang Nga xem xét đưa Cộng hòa Nhân dân Donetsk trở thành một phần của Liên bang Nga”, ông Pushilin nói.
Lãnh đạo phe ly khai ở Luhansk cũng tuyên bố thành lập nước cộng hòa độc lập nhưng không đề nghị xin gia nhập Nga.
Quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchinov tuyên bố sẽ truy tố các phần tử tổ chức trưng cầu dân ý ở miền Đông với các tội danh hình sự, đồng thời khẳng định Kiev sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại “các phần tử khủng bố, những kẻ phá hoại, và những tên tội phạm” ở miền Đông.
“Chính phủ sẽ đối thoại với những ai ở miền Đông mà tay không dính máu. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của họ thông qua các công cụ hợp pháp”, ông Turchinov nói.
Trong ngày hôm qua, Liên minh châu Âu (EU) gia tăng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bổ sung thêm 2 công ty và 13 cá nhân vào danh sách trừng phạt. Trong số này có ông Vyacheslav Volodin, Phó chánh thư ký điện Kremlin.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate