March 29, 2023 | 17:05 GMT+7

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được

Nhĩ Anh -

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, giải quyết bất cập chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 29/3/2023, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội thảo “Chính sách xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư linh kiện và sản phẩm công nghệ thông tin và phổ biến thông tư 25 của Bộ Thông tin và Truyền thông về xác định nguyên liệu, vật tư linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.

Hội thảo nhằm phổ biến các chính sách, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực thi để hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.

99% THIẾT BỊ PHẦN CỨNG ĐIỆN TỬ VIỄN THÔNG VIỆT NAM ĐANG SỬ DỤNG LÀ NHẬP KHẨU

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong những năm gần đây tốc độ phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mỗi năm tăng từ 6-9% và thường vượt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.

Cụ thể, trong năm 2022 doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 148 tỷ USD; trong đó, phần mềm chiếm khoảng 6 tỷ USD, phần cứng điện tử là 135 tỷ USD chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp.

Năm 2022, doanh thu phần cứng điện tử là 135 tỷ USD chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp.
Năm 2022, doanh thu phần cứng điện tử là 135 tỷ USD chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp.

Trong khi đó, về mảng phần cứng có đến 99% các thiết bị điện tử viễn thông tại Việt Nam đang sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan là những kết quả đạt được nêu trên chủ yếu đóng góp phần lớn từ khối doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam còn rất nhiều hạn chế về quy mô, công nghệ; thị trường trong nước chủ yếu từ nhập khẩu hoặc các nhãn hiệu nước ngoài.

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được - Ảnh 1

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử Việt Nam, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai định chiến lược Make in Việt Nam với trọng tâm là thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.

Bà Đỗ Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) nhấn mạnh, ngành điện tử có đóng góp rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cho cả nước. Năm 2022 cả nước xuất siêu 11,2 tỷ USD thì ngành điện tử xuất siêu 11,246 tỷ USD. Còn trong năm 2021 cả nước xuất siêu 4 tỷ USD, ngành điện tử xuất siêu 11,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quá trình xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức, bà Hương nêu.

XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐƯỢC MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến tháng 01/2023, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do FTA và được đánh giá là một nền kinh tế mở. Với sự tham gia nhiều hiệp định thương mại thì hàng rào thuế quan ngày càng cắt giảm; sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử hầu hết có thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên liệu vật tư linh kiện để sản xuất sản sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử còn có mức thuế từ 5-20%. Sự bất cập về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc và nguyên liệu vật tư linh kiện dẫn đến các sản phẩm sản xuất trong nước thiếu cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu về chi phí sản xuất. Điều này ảnh hướng không nhỏ đến phát sự triển ngành công nghiệp nghệ số Việt Nam.

 
Xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin là rất cần thiết. Trong đó một trong những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nổi bật là quy định miễn thuế nhập khẩu các nguyên liệu, vật tư, linh kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất.

Để giải quyết bất cập về chính sách, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm phần cứng điện tử Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 25/2022/TT-BTTTT về xác định nguyên liệu vật tư linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.

Cục Công nghiệp công nghệ thông tin cho biết, theo Thông tư này, tiêu chí miễn thuế nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 8/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử và Thông tư số 20/2021/TT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09 hoặc thuộc danh mục sản phẩm nội dung số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đặc biệt các đối tượng này phải không thuộc danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông- công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được tại phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Thông tư 25 là chính sách hỗ trợ doanh nghiêp, không phát sinh thêm thủ tục hành chính và thu hút đầu tư doanh nghiệp sản xuất. Điều này cũng nhằm tạo ra các giải pháp cơ chế chính sách cho Chiến lược "Make in Vietnam“: thiết kế tại Việt Nam, làm ra sản phẩm tại Việt Nam, chuyển từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm Việt Nam…

Theo ông Nghĩa, đây là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, giải quyết bất cập chênh lệch về thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện.

Cùng với việc phổ biến chính sách hỗ trợ, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm; cơ quan quản lý cũng hướng dẫn quy trình, hồ sơ, thủ tục miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm. Cùng với đó trao đổi, giải đáp những vướng mắc hoạt động xuất xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện và hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate