May 26, 2025 | 15:54 GMT+7

Miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống: Bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước

Song Hà -

Các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng hoá, trong khi hàng hoá thương mại điện tử được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu...

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống).
Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống).

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống) và dự kiến cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống.

TẠO LỢI THẾ CẠNH TRANH CHO HÀNG HOÁ NƯỚC NGOÀI

Góp ý dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cơ chế này chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự không bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước.

Theo phân tích của VCCI, phần lớn hàng hoá nhập khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu: giá trị mỗi đơn hàng thương mại điện tử có giá trị thấp, thường không quá 1 triệu đồng.

Chẳng hạn, năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỉ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm. Như vậy, quy định ngưỡng 1 triệu đồng đồng nghĩa với phần lớn hàng hoá thương mại điện tử nhập khẩu sẽ không chịu thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, quy định trên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước. Bởi các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng hoá, trong khi hàng hoá thương mại điện tử được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Điều này vô hình trung vẫn tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách thuế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá nước ngoài.

Do vậy, theo VCCI, cần thiết cân nhắc áp dụng một chính sách thuế nhập khẩu toàn diện, không miễn giảm với hàng hoá thương mại điện tử nhập khẩu.

Tuy nhiên, VCCI cũng hiểu việc xây dựng chính sách thuế nhập khẩu với hàng hoá thương mại điện tử nhập khẩu sẽ gặp nhiều thách thức, khó có thể áp dụng quy định về mã HS như hàng hoá nhập khẩu truyền thống cho hàng hoá thương mại điện tử nhiều các lý do.

Như số lượng mã HS trong mỗi chuyến hàng rất lớn. Mỗi lô hàng thương mại điện tử thường gồm nhiều đơn hàng nhỏ, mỗi đơn hàng lại có nhiều mặt hàng với mã HS rất khác nhau.

Hơn nữa, khó khăn trong việc xác định mã HS do số lượng hàng hóa thương mại điện tử vô cùng đa dạng có thể dẫn đến khó khăn quy mô lớn trong việc xác định mã HS, làm chậm trễ quá trình giao nhận, dẫn tới huỷ đơn hàng, gây thiệt hại cho người bán và sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, Dự thảo đang dự kiến cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhưng mỗi năm tổng giá trị không quá 48 triệu đồng với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định đang thiết kế theo hướng quản lý theo người mua (người nhập khẩu).

Góp ý quy định này, VCCI cho rằng quy định này có thể chưa thực sự phù hợp với đặc điểm thương mại điện tử và có thể tạo ra lỗ hổng trong thiết kế chính sách.

Tương tự như phân tích ở trên, việc áp dụng ngưỡng 1 triệu đồng gần như không có tác dụng đáng kể nào khi phần lớn hàng nhập khẩu hiện nay có giá trị thấp.

Điều này dẫn đến hệ quả là phần lớn hàng hóa thương mại điện tử sẽ không phải chịu giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, dù tổng giá trị hàng bán vào Việt Nam có thể rất lớn, gây bất bình đẳng với hàng hóa trong nước.

VCCI cho rằng cách thức thiết kế quy định này vẫn dựa trên tư duy của hoạt động nhập khẩu truyền thống, trong khi có sự khác biệt rõ rệt giữa nhập khẩu truyền thống và nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp nhập khẩu truyền thống thường là các tổ chức chuyên nghiệp, đã xác định rõ danh tính và chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, thông tin về người bán nước ngoài lại khó kiểm chứng, thường xuyên thay đổi. Do đó, cơ quan nhà nước thường kiểm soát theo người mua.

Còn nhập khẩu qua thương mại điện tử thông tin về người bán (kể cả người bán nước ngoài) rõ ràng hơn nhiều so với người mua, kiểm soát bởi sàn thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, do thói quen mua sắm dựa vào đánh giá và độ tin cậy, đơn hàng thường tập trung vào một số lượng người bán nhất định, giúp việc giám sát tập trung và hiệu quả hơn.

CÂN NHẮC SỬA ĐỔI THEO HƯỚNG ĐƠN GIẢN

Để giải quyết vấn đề "miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ", VCCI chỉ ra kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần đơn giản hoá biểu thuế cho hàng hoá thương mại điện tử.

Ví dụ, có thể gộp các mã HS thành một số “giỏ hàng hóa” theo nhóm ngành hoặc công dụng, mỗi giỏ tương ứng với một mức thuế suất cụ thể. Chẳng hạn: Giỏ 1 (Quần áo, giày dép, hàng dệt may, bộ đồ giường); giỏ 2 (thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tai nghe…).

"Theo cách này, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân loại hàng hóa thay vì tranh luận chi tiết mã HS cụ thể cho từng sản phẩm nhỏ lẻ. Canada đã áp dụng cách làm này từ năm 2012, sử dụng ba nhóm hàng hóa thay thế cho gần 5.400 mã HS", VCCI chỉ rõ.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi lại quy định về thuế nhập khẩu với hàng hoá thương mại điện tử, theo hướng quy định biểu thuế suất đơn giản hoá và áp dụng cho mọi đơn hàng thương mại điện tử bất kể giá trị.

Đối với quy định "cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống", theo VCCI, thay vì tiếp tục quản lý theo người mua, có thể chuyển sang quản lý theo người bán.

Cụ thể, các người bán có số lượng đơn hàng nhỏ trong năm có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành. Các người bán có số lượng đơn hàng lớn: hàng hoá có số lượng đơn hàng lớn sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép và kiểm tra chuyên ngành tương tự như cơ chế áp dụng trong hoạt động chuyển phát nhanh.

Cơ chế này sẽ đồng thời đảm bảo quản lý theo rủi ro, theo đó, tập trung quản lý với các hàng hoá có khối lượng giao dịch lớn trên thị trường.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xây dựng cơ chế quản lý giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá theo người bán.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate