Các chuyên gia từng dự đoán, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thế hệ trẻ sẽ không bao giờ mua nhà. Bởi vì họ đánh giá những gì xảy ra không mấy khả quan với thị trường nhà ở, thị trường lao động. Nhưng khi trưởng thành, họ thấy phải có trách nhiệm với gia đình, nên hầu hết đều mong muốn mua nhà.
TỶ LỆ SỞ HỮU NHÀ Ở CỦA NGƯỜI TRẺ CHIẾM TỶ TRỌNG LỚN
Thực tế, thị trường nhà ở đang diễn ra một sự thay đổi, tỷ lệ sở hữu nhà ở của những người trẻ từ 25 đến 34 tuổi chiếm tỷ trọng lớn. Theo phân tích từ Trung tâm nghiên cứu nhà ở của Harvard, Millennials-thế hệ gặp khó khăn do giá nhà cao, đang gia nhập nhóm sở hữu nhà khi họ già đi và bắt đầu lập gia đình. Mặc dù giá nhà đất, lãi suất tăng cao gây áp lực lên doanh số bán nhà, nhưng trên thực tế nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn.
Tại Việt Nam, theo kết quả một cuộc khảo sát của batdongsan.com.vn vào năm 2022 thì 58% số người được hỏi thuộc nhóm 20 – 29 tuổi và 43% nhóm 30 – 39 tuổi có mong muốn mua nhà trong vòng từ 3 - 5 năm tới. Mọi người cho rằng, sở hữu nhà là dấu hiệu thành công hàng đầu.
Tuy nhiên cái khó cho người trẻ có nhu cầu mua nhà là giá nhà tăng quá cao so thu nhập. Những năm qua, nhu cầu không ngừng gia tăng giữa bối cảnh “đói cung" do các vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để, cộng hưởng cùng sự phát triển của hệ thống hạ tầng, giao thông, đất đai ngày càng được tích lũy thêm giá trị nội tại khiến giá nhà tăng vọt.
Từ cuối tháng 5 năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. Giá bất động sản khắp nơi buộc phải điều chỉnh giảm.
Song phân khúc nhà ở không nằm trong xu hướng này. Sở hữu nhà vẫn là mục tiêu ngày càng khó đạt được đối với người trẻ tuổi, đặc biệt là giữa bối cảnh lãi suất, chi phí đầu vào tăng cao và thu nhập bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19. Chưa kể, sắp tới đây, Luật Đất đai sửa đổi sẽ đưa giá đất sát giá thị trường, giá nhà cũng phải điều chỉnh theo nên rất khó để chủ đầu tư giảm giá bán.
HẠN CHẾ VỀ CHI TRẢ NÊN THUÊ LÀ LỰA CHỌN CỦA THẾ HỆ TRẺ
Do thách thức về khả năng chi trả cùng nhiều lý do đến từ cả vĩ mô lẫn mong muốn cá nhân, nên việc thuê nhà trở thành lựa chọn của hầu hết thế hệ trẻ.
Nếu thế hệ Millennials-thế hệ chịu ảnh hưởng nhiều của Gen X (thế hệ ông bà, cha mẹ), họ vẫn có truyền thống xây dựng quỹ tiết kiệm và đã tiết kiệm để mua nhà trước khi thị trường trở nên đắt đỏ, thì thế hệ Gen Z với đặc trưng lối sống năng động, hiện đại, “gu” lựa chọn nhà ở của thế hệ này rất khác biệt.
Gen Z chú trọng hơn vào phong cách sống, môi trường sống, hệ thống tiện ích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Yếu tố khoảng cách lẫn giá cả không còn là sự lựa chọn hàng đầu đối với nhóm khách hàng này khi thuê, mua nhà. Bên cạnh đó, nếu có tiền, họ sẽ đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khác thay vì là sở hữu bất động sản.
Dù trước đây hay bây giờ, việc có một tài sản bất động sản sẽ đem lại cảm giác an toàn, có “chỗ dựa”, vẫn là suy nghĩ phổ biến. Tuy nhiên, tài sản bất động sản với thế hệ trẻ cũng có sự khác biệt. Tư duy ngàn đời của cha ông ta là “phải có đất cắm dùi” đã dần khác với suy nghĩ của giới trẻ. Hiện nay, có những người trẻ ngày càng chuộng sống ở chung cư hơn, họ sẵn sàng chi trả cho căn hộ có giá hàng nghìn USD/m2.
Từ tình hình thực tế, chuyên gia Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đưa ra ý kiến, các nhà phát triển hãy lắng nghe nhu cầu của người trẻ khi lập kế hoạch về phân khúc bất động sản mới để phù hợp với xu thế. Tương lai đô thị Việt Nam phụ thuộc vào lựa chọn và hành vi của thế hệ Millennial-Z.
“Nếu đa phần chuyển đổi cuộc sống sang cao tầng, thì đô thị sẽ được cấu trúc lại tiện nghi và điều kiện sống tốt hơn. Còn khi thế hệ trẻ nhìn nhận, nhà trung tâm chỉ dành cho người có thu nhập cao trong xã hội, thì họ sẵn sàng chuyển đến các đại đô thị ven trung tâm thành phố có giá cả phải chăng, hạ tầng, tiện ích... đa dạng”, chuyên gia phân tích.
Về vấn đề này, nhà môi giới tự do Đặng Minh cho rằng đa phần khách hàng trẻ tuổi đều dành sự yêu thương cho bản thân, họ muốn khép cánh cửa phòng lại là một cánh cửa đầy sắc màu sống động mở ra. Đặc biệt, sau khi Covid-19 từng phủ bóng lên mọi hành vi của con người, thì một cuộc sống không quá đông người là yếu tố được quan tâm.