Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam giảm gần 62% so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính đạt 4.500 tỷ đồng.
DU LỊCH “ĐÓNG BĂNG”, BẤT ĐỘNG SẢN NGHỈ DƯỠNG “NGỦ ĐÔNG”
Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng qua giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 89%; Quảng Nam giảm 82%; Thừa Thiên - Huế giảm gần 64%; Nghệ An giảm 66%; TP.HCM giảm 52%; Hà Nội giảm 50%; Hải Phòng giảm 47%; Đà Nẵng giảm gần 42%; Cần Thơ giảm gần 30%; Quảng Ninh giảm 28%...
Riêng tỉnh Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu từ hoạt động kinh doanh du lịch giảm 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Du lịch gần như “đóng băng”, lượng khách lưu trú giảm mạnh đã khiến bất động sản nghỉ dưỡng cũng ảm đạm theo. Đến nay, thị trường đã đi gần hết quý 3/2021 trong tình trạng nhiều chủ đầu tư phải “khoá giỏ hàng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như tại phân khúc condotel, nhà phố/shophouse biển hay phân khúc biệt thự biển liên tiếp 2 tháng không có dự án “ra hàng”.
Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tại phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 7 và tháng 8 đều sụt giảm mạnh so với tháng trước, cụ thể phân khúc biệt thự biển chỉ tiêu thụ được 3 căn (tỷ lệ 6%) trong tháng 8/2021, bằng 14% của tháng 7/2021. Tại phân khúc nhà phố/shophouse biển cũng chỉ tiêu thị được 4 căn (tỷ lệ 12%). Phân khúc condotel tiếp tục rơi vào trạng thái “ngủ đông”, ghi nhận từ DKRA Việt Nam.
MỞ CỬA LẠI DU LỊCH PHÚ QUỐC, KHÔI PHỤC NHU CẦU LƯU TRÚ
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, cũng từ đó tác động tích cực tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Việt Nam đang có kế hoạch mở cửa trở lại thành phố đảo Phú Quốc đối với thị trường khách du lịch quốc tế từ tháng 10/2021.
Theo kế hoạch thí điểm kéo dài 6 tháng, Phú Quốc dự kiến sẽ đón 40.000 khách quốc tế đáp ứng các yêu cầu đặt ra, với thị trường mục tiêu là nhóm du khách đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á, Úc và Trung Đông.
Trong 3 tháng đầu tiên, thành phố đảo kỳ vọng sẽ chào đón mỗi tháng khoảng 3.000 - 5.000 lượt du khách theo mô hình “du lịch khép kín”, những du khách này sẽ đến Phú Quốc thông qua các chuyến bay thuê (charter flight) và lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng riêng biệt.
Trong 3 tháng tiếp theo, chương trình đặt mục tiêu đón tiếp 5.000-10.000 lượt khách, cân nhắc mở rộng áp dụng đối với nhóm khách du lịch đến từ các chuyến bay thương mại và được phép di chuyển, tham quan nhiều điểm đến hơn trên đảo.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho biết việc chuẩn bị lộ trình để tái mở cửa biên giới là cần thiết, để Việt Nam sớm nắm lấy cơ hội khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang từng bước tìm hướng nới lỏng phù hợp, bao gồm việc dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia.
“Tôi tin rằng nếu chỉ đánh giá sự thành công của chương trình thí điểm này trên góc độ doanh thu đem lại cho ngành du lịch thì chưa đầy đủ, do lượng khách dự kiến từ chương trình này vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng hơn mà việc thí điểm này đem lại đó chính là Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kép, mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch đến Việt Nam”, ông Mauro Gasparotti nói.
Trong khu vực, Thái Lan là quốc gia đầu tiên tiên phong mở cửa đón khách quốc tế thông qua chương trình Phuket Sandbox.
Trong 2 tháng kể từ khi triển khai Phuket Sandbox, 26.400 khách du lịch nước ngoài đã đến hòn đảo này, với tổng cộng 366.971 đêm lưu trú. Trong số đó, chỉ 0,3% tương đương với 83 du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid khi đến Phuket.
Chương trình Phuket Sandbox đã thúc đẩy 69% khách sạn trong khu vực mở cửa lại. Tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn tham gia vào chương trình đạt gần 20% vào cuối tháng 7 so với mức 01 con số trong giai đoạn trước đó.
Ông Mauro nhấn mạnh dù chương trình Phuket Sandbox chưa hoàn toàn đạt được các mục tiêu kỳ vọng, nhưng đã thắp lên hy vọng giúp ngành du lịch Thái Lan khởi động lại hệ sinh thái và quốc gia này đang xem xét mở cửa trở lại Bangkok cùng với các điểm đến khác trên toàn quốc.
Việt Nam cũng có thể học hỏi các chiến lược của Thái Lan và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và tính chất của thị trường.
Theo thống kê của Savills Hotels, Phú Quốc hiện có hơn 12.000 phòng khách sạn thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp. Trong năm nay, một vài khu nghỉ dưỡng dự kiến sẽ mở cửa, với tổng nguồn cung mới ước tính khoảng 1.800 phòng.
Để thu hút hơn nữa khách du lịch quốc tế, Phú Quốc sẽ cần nỗ lực xây dựng thương hiệu, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cấp dịch vụ nhằm tăng cường vị thế cạnh tranh và bắt nhịp với các điểm đến quen thuộc như Phuket hay Bali – nơi đang nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại.
Do đó, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Việt Nam ở trạng thái bình thường mới, thị trường du lịch hoạt động trở lại, nhu cầu lưu trú gia tăng là “đòn bẩy” cho bất động sản nghỉ dưỡng “ấm” trở lại và sôi động hơn.