August 13, 2022 | 07:00 GMT+7

"Mở cửa một nửa" khiến Nhật Bản vắng khách quốc tế

Tường Bách -

Trước đại dịch, Nhật Bản đang ở đỉnh cao của ngành du lịch, với lượng khách nhập cảnh đạt kỷ lục vào năm 2019. Tuy nhiên, lượng khách trong tháng 6 năm nay, mùa du lịch cao điểm của đất nước Mặt Trời mọc, đã giảm 96% so với cùng kỳ 3 năm trước...

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Theo Bloomberg, Nhật Bản đã mở cửa trở lại từ tháng 6/2022, đúng mùa du lịch cao điểm. Theo thống kê, từ 10/6/2022 đến 10/7/2022, đất nước này chỉ đón khoảng 1.500 du khách. Trước khi đại dịch, du khách châu Á lân cận thường đến Nhật Bản vài lần trong một năm. Hai thị trường lớn nhất của du lịch Nhật Bản hiện nay là Thái Lan và Hàn Quốc nhưng hiện tại số lượng khách đến từ hai nước này chỉ ở mức tương đối. Kể từ tháng 6, Nhật Bản đón khoảng 400 du khách từ Thái Lan và Hàn Quốc, chỉ có 150 khách đến từ Mỹ.

Theo CNN, nguyên nhân du khách trở lại Nhật Bản ít ỏi bởi một phần vì Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “zero Covid". Năm 2019, thị trường du lịch lớn nhất của Nhật Bản là nước láng giềng Trung Quốc, với 9,25 triệu lượt người Trung Quốc nhập cảnh. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc về cơ bản vẫn bị phong tỏa với phần còn lại của thế giới. Đất nước tỷ dân vẫn áp dụng các quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt dành cho người dân cũng như người nước ngoài, khiến ngành du lịch rơi vào bế tắc.

Hiroyuki Ami, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của tháp Tokyo Skytree nói rằng, phải đến ngày 27/6 nhóm du lịch quốc tế đầu tiên mới đến đài quan sát, họ đến từ Hồng Kông. Hồng Kông có những hạn chế nghiêm ngặt bao gồm kiểm dịch bắt buộc tại khách sạn đối với những cư dân trở về, nhưng khách du lịch đến đây vẫn dễ dàng hơn so với từ Trung Quốc đại lục. "Trước Covid, số lượng lớn nhất (khách nước ngoài) đến từ Trung Quốc, nhưng giờ thì vắng bóng", anh Hiroyuki xác nhận và cho biết thêm hầu hết khách truy cập của Skytree trong 6 tuần qua là người dân địa phương.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Nhật Bản mặc dù đã mở cửa trở lại nhưng không thu hút khách quốc tế là bởi nhiều quy định khắt khe. Nước này đặt ra giới hạn số lượng thị thực mà họ cấp mỗi ngày, và yêu cầu du khách phải mua tour từ các công ty du lịch và có các hướng dẫn viên địa phương đi kèm, đồng thời mua bảo hiểm để chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe trong trường hợp họ mắc Covid-19. Đối với nhiều người ở phương Tây, những người thích sự tự do và không muốn tuân theo một hành trình gò bó, vấn đề đó là một yếu tố then chốt.

Chính sách mở cửa không hoàn toàn của Nhật Bản khiến việc thu hút khách du lịch quốc tế khó khăn hơn.
Chính sách mở cửa không hoàn toàn của Nhật Bản khiến việc thu hút khách du lịch quốc tế khó khăn hơn.

Chính sách mở cửa không hoàn toàn của Nhật Bản không chỉ áp dụng đối với thị thực, mà còn là các quy định về khẩu trang ở nhiều khu vực và yêu cầu cách ly kiểm dịch khi đến nơi, khiến việc thu hút khách du lịch quốc tế càng khó khăn hơn. Trong thời gian ngắn hạn sắp tới, chính phủ Nhật Bản chắc sẽ có kế hoạch cân nhắc điều chỉnh các hạn chế để mở cửa lại du lịch quốc tế. Tuy nhiên, điều này vẫn khá phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trong nước. Nhật Bản những ngày gần đây đã ghi nhận hơn 200.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - khi biến chủng BA.5 tấn công nước này.

Bên cạnh đó, sự thật là bản thân các doanh nghiệp lữ hành tại Nhật Bản và người dân cũng không quá sốt ruột hay hào hứng với việc đón khách nước ngoài. Về mặt kinh tế, du lịch nội địa mới chính là thế mạnh của ngành công nghiệp không khói tại nước này. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, nhiều người dân Nhật Bản vẫn yêu thích các hoạt động du lịch trong nước hơn cả du lịch nước ngoài.

Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tổng giá trị du lịch nội địa trong năm 2019 của nước này lên tới 21,9 nghìn tỷ yên (167 tỷ USD) so với 4,81 nghìn tỉ yên đến từ du khách quốc tế. "Dữ liệu của Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho thấy khách du lịch trong nước đã chi tiêu gấp 5 lần so với khách du lịch nước ngoài trong năm 2019. Vì vậy thiếu vắng du khách nước ngoài không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi," Giám đốc điều hành hệ thống Hoshino Resorts cho biết.

Về mặt kinh tế, du lịch nội địa mới chính là thế mạnh của ngành công nghiệp không khói tại nước này.
Về mặt kinh tế, du lịch nội địa mới chính là thế mạnh của ngành công nghiệp không khói tại nước này.

Trong khi đó, những ngày này, du lịch nội địa Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi so với năm 2021, tỷ lệ đặt chỗ cho các chuyến đi đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là vào tuần lễ Obon, một kỳ nghỉ dài của Nhật Bản vào trung tầm tháng 8. Theo thống kê, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, khách du lịch trong nước đặt chỗ tại tập đoàn du lịch JTB tăng 75% so với năm ngoái.

Mặc dù dịch Covid-19 đang phức tạp, nhưng theo báo Mainichi, người dân Nhật Bản đa số lựa chọn du lịch tại những nơi đông người, hoàn toàn khác so với lựa chọn du lịch tới các vùng tự nhiên, ít người để đảm bảo các yếu tố giãn cách của năm ngoái. Những điểm đến được ưa thích là Công viên Disneyland tại tỉnh Chiba, Công viên Universal tại thành phố Osaka hoặc các điểm bắn pháo hoa và tổ chức lễ hội tại các địa phương khác.

Du lịch hồi phục cũng kéo theo sự khôi phục của các ngành liên quan như dịch vụ vận tải. Báo Nikkei cho biết, hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là ANA và Japan Airlines doanh thu nội địa đều được cải thiện. Với ANA, lượng khách đã tăng đến 76% so với cùng kỳ năm ngoái, thâm hụt doanh thu theo đó cũng giảm 490 triệu USD xuống chỉ còn 9,8 triệu USD. Trong khi đó, kết quả tài chính của Japan Airlines cũng cho thấy dấu hiệu tích cực với doanh thu doanh thu tăng gấp đôi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate