April 03, 2024 | 09:00 GMT+7

Mở cửa thị trường mua sắm công ở Việt Nam đối với các doanh nghiệp châu Âu

Ngọc Lan - Diệp Linh

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ Đầu tư công trên GDP thuộc top cao nhất thế giới, lên tới 39%. Mặc cơ hội là rất lớn, việc tham gia vào thị trường đấu thầu công của Việt Nam vẫn đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp châu Âu...

Ảnh: Flanders Investment & Trade HANOI
Ảnh: Flanders Investment & Trade HANOI

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020, các doanh nghiệp EU đã được tiếp cận các hợp đồng Mua sắm công của Việt Nam, đáng chú ý là thông qua Chương 9 của Hiệp định. Mặc dù cơ hội là rất lớn, song việc tham gia vào thị trường đấu thầu công của Việt Nam vẫn đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp EU, chẳng hạn như rào cản ngôn ngữ, thiếu các mối quan hệ đối tác địa phương và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế. 

Đó là lời chia sẻ với VnEconomy của bà Eve Devoldere, Tham tán Thương mại và Đầu tư vùng Flanders, Đại sứ quán Bỉ, tại buổi hội thảo về Mua sắm công nhằm cung cấp các thông tin về bối cảnh, khung pháp lý, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, và các cơ hội thực tiễn để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động mua sắm công ở Việt Nam.  

Bà Eve Devoldere, Tham tán Thương mại và Đầu tư vùng Flanders, Đại sứ quán Bỉ phát biểu tại hội thảo
Bà Eve Devoldere, Tham tán Thương mại và Đầu tư vùng Flanders, Đại sứ quán Bỉ phát biểu tại hội thảo

Theo bà Devoldere, thị trường mua sắm công Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài. Việt Nam có tỷ lệ đầu tư công trên GDP thuộc top cao nhất thế giới, luôn duy trì mức trên 39% mỗi năm kể từ năm 1995, với một phần đáng kể được phân bổ cho các dự án hạ tầng. Những bước tiến gần đây đã được thực hiện, với việc Việt Nam tăng cường minh bạch bằng cách tập trung tổng hợp các thông tin về dự án và thông báo đấu thầu trên một trang web chuyên dụng và áp dụng các phương thức đấu thầu điện tử. Bên cạnh đó, việc ban hành "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030" (Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ban hành ngày 19/10/2021) sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động mua sắm công, tích hợp các tiêu chí xanh vào quá trình lựa chọn đấu thầu. 

“Do đó, qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng khuyến khích các công ty châu Âu tham gia nhiều hơn vào hoạt động mua sắm công của Việt Nam, thúc đẩy trao đổi ý tưởng, giới thiệu các công nghệ mới, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi xanh và thông minh, đồng thời củng cố những nỗ lực phát triển bền vững tại Việt Nam.”

Hội thảo này là một phần trong chuỗi sự kiện của dự án GOOSE từ ngày 19-22/3/2024 tại Việt Nam. GOOSE, viết tắt của “Generating international public procurement Opportunities for the European SMEs”, là một dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp vào thị trường mua sắm công ở các nước mà Liên minh Châu Âu đã ký hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương. Dự án được đồng thực hiện bởi 4 quốc gia Châu Âu: Bỉ, Croatia, Estonia, và Tây Ban Nha với các doanh nghiệp trong bốn lĩnh vực Kinh tế Xanh, Y tế Thông minh, Công nghệ thông tin, và thành phố Thông minh hướng đến 6 thị trường tiềm năng: Colombia, Chile, Na Uy, Serbia, Nhật Bản và Việt Nam. 

Bà Devoldere cho biết thêm, trong bối cảnh EU và Việt Nam đã triển khai EVFTA, thông qua các sáng kiến như GOOSE, FIT mong muốn nỗ lực hỗ trợ các công ty châu Âu tìm hiểu môi trường đấu thầu ở Việt Nam và tìm kiếm các đối tác địa phương để hợp tác vì sự tăng trưởng chung, cũng như thúc đẩy các lĩnh vực quan trọng đầy hứa hẹn ở Việt Nam như kinh tế xanh, thành phố thông minh và số hóa bằng cách tạo điều kiện đối thoại và chia sẻ kiến thức.

“Mục tiêu của chúng tôi là hợp tác với Cục Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, các cơ quan chính phủ và các bên liên quan quốc tế quan trọng như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và GIZ Việt Nam, những bên đã hào phóng chia sẻ những kiến thức và hiểu biết sâu sắc của họ về thị trường đấu thầu công tại Việt Nam,” bà Devoldere chia sẻ.

Ngoài các buổi gặp mặt B2G và B2B, FIT cũng đã tới thăm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn FPT, những doanh nghiệp trọng yếu của Việt Nam,  để tìm hiểu sâu hơn về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và khám phá các cơ hội hợp tác tiềm năng trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate