Ngày 23/11, Ban quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ Giáo dục & Đầu tư đã tổ chức Tọa đàm về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP Đặng Văn Huấn cho biết, bên cạnh nội dung mới, điểm đáng lưu ý của chương trình là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.
Từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông, nâng cao vai trò của các trường sư phạm nói chung và của giảng viên sư phạm trong bồi dưỡng thường xuyên, gắn kết các trường đại học sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cụ thể, đối với giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán sẽ tự học các tài liệu được tải trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) trong 5-7 ngày, hoàn thành các bài kiểm tra, chuẩn bị các nội dung, sau đó sẽ được các giảng viên sư phạm chủ chốt bồi dưỡng trực tiếp 2-3 ngày. Đồng thời giải đáp các thắc mắc của giáo viên, hướng dẫn họ xây dựng kế hoạch hỗ trợ giáo viên đại trà. Tiếp đó, nhóm giáo viên này tự học học 7 ngày để hoàn thành các bài tập, hoàn thành kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp với sự trợ giúp của giảng viên sư phạm.
Đối với giáo viên đại trà cũng trải qua quá trình tương tự: tự học trực tuyến trên LMS, học trực tiếp với giáo viên cốt cán và hoàn thành các bài kiểm tra, khảo sát… với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán. Thời gian học sẽ kéo dài khoảng 30-40 ngày.
Trong quá trình triển khai thực tế công tác này ở địa phương cho thấy, từ các khóa bồi dưỡng đã hình thành các hội, nhóm, cộng đồng giáo viên học tập gồm các giáo viên cốt cán và cán bộ sư phạm chủ chốt, giữa các giáo viên cốt cán với nhau, giữa giáo viên cốt cán với giáo viên đại trà, giáo viên đại trà-giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm. Chính mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ có đã khắc phục được cách bồi dưỡng tập trung ngắn ngày như trước đây.
Tuy nhiên, chương trình cũng gặp một số khó khăn khi có khoảng 8-10% tỷ lệ giáo viên phổ thông cốt cán hao hụt theo thời gian sau khi được bồi dưỡng các mô đun, do nghỉ thai sản, chuyển đổi vị trí công việc từ giáo viên sang quản lý, nghỉ hưu... Hoặc nhiều Sở Giáo dục & Đào tạo lựa chọn cốt cán chưa phủ hết các môn học, cấp học, nhiều học viên sau khi hoàn thành mô đun 1 lại không tiếp tục học mô đun 2,3. Cơ cấu đội ngũ cốt cán chưa cân đối ở một số địa phương. Đặc biệt một số giáo viên phổ thông chỉ muốn chọn môn chính, không muốn lựa chọn học các môn kiêm nhiệm như hoạt động trải nghiệm.
Ngoài ra, nhiều phòng Giáo dục & Đào tạo không có cốt cán ở một số môn. Việc thiếu hụt cốt cán ảnh hưởng tới việc hướng dẫn đồng nghiệp tự bồi dưỡng, một số địa phương đã phải huy động cốt cán hỗ trợ nhiều huyện trên địa bàn. Điều này dẫn đến một số giáo viên cốt cán quá tải phải hướng dẫn 100 giáo viên đại trà, trong khi yêu cầu 1 cốt cán chỉ hỗ trợ khoảng 30 đại trà.
Hiện nay, tính đến 18/11/2021, cả nước có hơn 2,1 triệu lượt giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông hoàn thành các module bồi dưỡng. Điểm tích cực của hình thức bồi dưỡng trực tuyến trong Chương trình ETEP được nhiều giáo viên phổ thông đánh giá cao và mong muốn tiếp tục được nhân rộng là được giảng viên sư phạm chủ chốt trực tiếp giải đáp những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy; đồng thời, có cơ hội chia sẻ, trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp trên cả nước thông qua hình thức trực tuyến.
Để đổi mới hình thức bồi dưỡng gồm cả trực tiếp và trực tuyến, nội dung tài liệu đã sát thực tế khiến sự tham gia của giáo viên được thuận lợi và hiệu quả hơn. Các nội dung bồi dưỡng cũng được giáo viên áp dụng vào thực tế giảng dạy và nhận được sự phản hồi tích cực của học sinh.