Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 319/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng và nghị quyết của Chính phủ.
TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP VỀ TIỀN TỆ, TÍN DỤNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư tín dụng và tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức kinh tế tập thể.
Triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể. Tiếp tục tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, cung ứng kịp thời sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với các tổ chức kinh tế tập thể, ưu tiên tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng gắn với đảm bảo an ninh, an toàn nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; xử lý Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Một trong những giải pháp trọng tâm được Ngân hàng Nhà nước đề ra là nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin báo cáo để quản lý tập trung, có hiệu quả, giám sát đầy đủ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các vi phạm trong hoạt động của các Quý tín dụng nhân dân.
Trong năm 2024, xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
Tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành có trình độ chuyên môn phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.
Chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tăng cường huy động/triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác quốc tế cho Việt Nam và ngành ngân hàng trong hoạt động hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, củng cố và phát triển hoạt động của các tổ chức tín dụng là hợp tác xã.
CHỈ 2% HỢP TÁC XÃ TIẾP CẬN ĐƯỢC VỐN TÍN DỤNG
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay đối với các hợp tác xã đạt 6.316 tỷ đồng với gần 1.200 hợp tác xã còn dư nợ. Dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 12/2022 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng…
Một số ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước có nhiều cơ chế ưu đãi về tín dụng cho hợp tác xã như: cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa lên đến 3 tỷ đồng, hoặc 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết; hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu hay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ khi vay vốn ngắn hạn tại các ngân hàng cũng được hưởng mức lãi suất ưu đãi theo chính sách chung của Ngân hàng Nhà nước, thấp hơn 1-2%/năm so với mặt bằng lãi suất chung của thị trường.
Tuy nhiên, do nhu cầu vay từ các hợp tác xã chủ yếu với hình thức không đảm bảo tài sản, nên một số các ngân hàng vẫn còn e dè khi cho vay vốn đối với hợp tác xã. Theo đánh gía của các ngân hàng, đối tượng vay là hợp tác xã chứa đựng rất nhiều rủi ro làm cho các tổ chức tín dụng e ngại trong việc cấp tín dụng…
Ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam cho hay, thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng. Do đó, nhiều hợp tác xã phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng "đen" với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn. Nguyên nhân bởi số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm 45%, nên khả năng đáp ứng các điều kiện của ngân hàng còn hạn chế.
Theo Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, thực tế chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn từ các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, theo ông Phạm Công Bằng, đa số hợp tác xã không có dự phòng tài chính, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, các hợp tác xã vẫn luôn có nhu cầu về vốn. Theo số liệu điều tra, khảo sát của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong những năm tới, nhu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và có xu hướng tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Từ những khó khăn trên, một số ý kiến cho rằng cần có chiến lược hỗ trợ vốn để các hợp tác xã phát triển. Trong đó, các ngân hàng nên nhìn nhận hợp tác xã khác doanh nghiệp khi đưa ra những