Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trao đổi, vận động phía Trung Quốc bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản, trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung.
Đó là hồi âm của Bộ Công Thương với kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn, được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập hợp mới đây.
Giảm tải, giảm ùn ứ
Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: hiện nay, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua 3 cửa khẩu Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị đã dẫn đến ùn ứ phương tiện chở hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu này.
Cử tri đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức hội đàm cấp Trung ương để đề nghị Trung Quốc đồng ý cho nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu khác của tỉnh Lạng Sơn như Na Hình, Bình Nghi, Chi Ma… nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ, giảm tải cho 3 cửa khẩu, tăng khả năng thông quan hàng xuất khẩu của cả nước.
Trả lời, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước (từ mức 3,7 tỷ USD năm 2011 đã tăng lên 7,32 tỷ USD vào năm 2017, kim ngạch bình quân đạt 5,8 tỷ/năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2017 đạt 17,3%/năm).
Đây còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại, đứng thứ 2 về hồ tiêu, đứng thứ 3 về điều, gỗ và thủy sản (vượt lên từ vị trí thứ 5 năm 2016), đứng thứ 4 về chè, đứng thứ 9 về cà phê, đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Theo Bộ Công Thương thì nền kinh tế Trung Quốc đang duy trì đà tăng trưởng cao, nhu cầu nhập khẩu nông sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng tích cực, giá thành sản xuất của Trung Quốc có xu hướng tăng làm giảm cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, lợi thế của Việt Nam về vị trí địa lý chung đường biên giới... đang tác động tích cực đến xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là cá tra, tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), trái cây tươi (thanh long, dưa hấu, xoài, chuối), cà phê, điều, cao su, tiêu...
Bên cạnh đó, các tỉnh giáp biên của Trung Quốc đang có chính sách lấy ngoại thương làm đòn bẩy kinh tế và có chủ trương đẩy mạnh thương mại với các nước khu vực ASEAN.
Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, vận động phía Trung Quốc bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản, trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung.
Văn bản trả lời cũng thông tin, trong khuôn khổ chuyến công tác của Lãnh đạo Bộ Công Thương sang Trùng Khánh và Quảng Tây (Trung Quốc), lãnh đạo Bộ đã kiến nghị, vận động tỉnh Quảng Tây xem xét bổ sung một số cửa khẩu cho phép nhập khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thông quan nhanh chóng tại các cửa khẩu biên giới đất liền vào dịp cao điểm. Thông qua hội đàm báo cáo lên các cơ quan của Chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đánh giá rủi ro, mở cửa thị trường đối với một số loại trái cây, sữa, thủy sản, lợn và thịt lợn của Việt Nam...
Kiểm soát chặt hàng nhập khẩu
Cũng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, cử tri tỉnh Bến Tre cho rằng giá nông sản sụt giảm trong thời gian qua, một mặt do chưa kiểm soát được tổng lượng đàn trong chăn nuôi, chưa kiểm soát được lượng hàng hóa nhập khẩu. Cử tri đề nghị Nhà nước chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu để tránh tình trạng cung vượt cầu, giá giảm.
Bộ Công Thương trả lời, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các nước đều phải tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ. Hàng nông thủy sản Việt Nam khi nhập khẩu vào các nước đều phải đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch động, thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đồng thời, ngành sản xuất nông nghiệp trong nước cũng gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu do hàng rào thuế quan đang dần được dỡ bỏ.
Các sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động, thực vật và an toàn thực phẩm, trường hợp nhập khẩu số lượng lớn gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước sẽ xem xét áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Nhìn chung, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành đã tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu cho từng công đoạn sản xuất nông thủy sản và yêu cầu về quản lý kỹ thuật, cơ quan quản lý nhà nước khẳng định.
Văn bản trả lời cũng cho biết, thời gian qua, khi các nước tăng cường áp dụng hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nông thủy sản của Việt Nam, Bộ Công Thương đều chủ động trao đổi, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đề xuất, thống nhất thực hiện biện pháp "kỹ thuật" ra tín hiệu về khả năng hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng mà nước nhập khẩu đang xuất khẩu sang Việt Nam, tạo áp lực cho các nước tháo gỡ rào cản.
Cụ thể, khi Hàn Quốc ban hành biện pháp cấm nhập khẩu tạm thời các sản phẩm có phần thân rễ tươi chôn trong đất của nhiều loại thực vật như cà rốt, gừng, nghệ, khoai lang nhập khẩu từ Việt Nam, hai Bộ có ý kiến với phía Hàn Quốc về việc cân nhắc tạm ngừng nhập khẩu nhân sâm và một số loại nông sản từ Hàn Quốc. Kết quả là phía Hàn Quốc đã phải tháo gỡ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nêu trên.
Trong thời gian tới, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu, góp phần ổn định cung cầu và tiêu thụ nông thủy sản với giá ổn định cho người nông dân, văn bản trả lời cử tri nêu rõ.