April 21, 2025 | 14:08 GMT+7

Mộc Kết: Chuỗi hành trình định hình, kết nối tương lai ngành gỗ

Lan Anh -

Bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo áp lực lớn lên nỗ lực duy trì tăng trưởng của ngành gỗ và nội thất. Trước những thách thức này, xu hướng liên kết để phát triển đang trở thành định hướng chung trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam…

Những hệ lụy kéo dài từ đứt gãy chuỗi cung ứng thời kỳ đại dịch, kết hợp với các yếu tố địa chính trị bất ổn và tâm lý thắt chặt chi tiêu tại nhiều thị trường lớn, đang tạo ra một môi trường kinh doanh toàn cầu đầy thách thức. Tại thị trường Mỹ, ngành nội thất ghi nhận tăng trưởng trong hai tháng đầu năm 2025, nhưng xu hướng này đảo ngược trong tháng 3 và 4.

THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ: THĂNG TRẦM KHÓ LƯỜNG

Cửa hàng nội thất ở Mỹ.
Cửa hàng nội thất ở Mỹ.

Thị trường nội thất Pháp cũng đối mặt với khó khăn, khi doanh số tháng 2/2025 giảm đáng kể, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp suy thoái trong tháng này. Theo chỉ số kinh tế từ IPEA (Viện Nghiên cứu Triển vọng và Đồ nội thất), giá trị thị trường nội thất nội địa Pháp trong tháng 2/2025 giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2024, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2024.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm sáng. Theo số liệu sơ bộ, trong 3 tháng đầu nămđầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Bắc Âu đạt 18,5 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Một tín hiệu tích cực khác là việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với đồ nội thất phòng khách và phòng ăn. Trong 90 ngày hoãn thuế, doanh nghiệp có thêm thời gian đánh giá vị thế cạnh tranh, xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, đàm phán với đối tác, và khai thác các thị trường xuất khẩu mới.

NHU CẦU CẤP THIẾT VỀ CHUỖI CUNG ỨNG BỀN VỮNG

Trước những biến động liên tục về kinh tế, chính trị và xã hội, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trở thành nhiệm vụ cấp bách. Đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh mà còn là chiến lược dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng với những thay đổi bất ngờ của thị trường.

Một chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng giúp doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ gián đoạn, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất và giao hàng, ngay cả khi môi trường kinh doanh gặp sự cố. Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp trong và ngoài nước giúp giảm phụ thuộc vào một nguồn duy nhất, từ đó tăng khả năng chủ động và tiết kiệm chi phí dài hạn.

Ngành gỗ Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: HawaExpo.
Ngành gỗ Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: HawaExpo.

Hợp tác chiến lược giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn thị trường biến động, là “chìa khóa” để chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và khai thác thị trường mới. Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam định vị lại vai trò, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp trước những thay đổi về chính sách thương mại toàn cầu, như trường hợp tạm hoãn thuế của Mỹ gần đây.

MỘC KẾT: NỀN TẢNG LIÊN KẾT VÀ SỨC MẠNH CỘNG HƯỞNG

Trong bối cảnh thị trường nội thất Việt Nam còn nhiều mảnh ghép rời rạc, chuỗi sự kiện Mộc Kết đã tạo ra một môi trường kết nối kịp thời và thực chất, hội tụ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng thiết kế, khối sản xuất và các nhà thầu trong ngành gỗ.

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa ba mắt xích này là nền tảng xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững. Thiết kế đóng vai trò “bộ não sáng tạo”, kết hợp tinh tế các loại vật liệu để tạo nên sản phẩm hài hòa, thẩm mỹ và có giá trị sử dụng cao. Sản xuất, như người thợ lành nghề, khéo léo vận dụng nguyên liệu và công nghệ để đáp ứng công năng và nâng tầm sản phẩm với giá trị nghệ thuật. Nhà thầu, đặc biệt trong thi công nội thất, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu đạt chuẩn - từ gỗ, đá, nhựa đến phụ kiện như khóa, bản lề, chi tiết kim loại - góp phần định hình chất lượng công trình.

KTS Nguyễn Đức chia sẻ về giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ với ngành gỗ.
KTS Nguyễn Đức chia sẻ về giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ với ngành gỗ.

Với tầm nhìn dài hạn, Mộc Kết không chỉ dừng lại ở việc tạo mạng lưới liên kết. Chuỗi sự kiện với các chủ đề thiết thực giúp cộng đồng giải quyết những thách thức chung của ngành trong bối cảnh thị trường biến động, từ đó định hình chiến lược phát triển bền vững. Khi rào cản thuế quan tác động lớn đến xuất nhập khẩu, việc khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng với sản phẩm “made in Việt Nam” đang được khuyến khích. Để có vị thế vững chắc trên bản đồ kinh tế thế giới, thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam nằm ở văn hóa giàu bản sắc, được lồng ghép trong sản phẩm hiện đại, kết hợp với sự sáng tạo linh hoạt và tay nghề tinh hoa của người thợ.

Mộc Kết hướng đến một “cuộc cách mạng” trong tư duy, cổ vũ văn hóa hợp tác, chia sẻ rủi ro và cùng tiến bước, xóa bỏ lối cạnh tranh đơn lẻ đầy bất ổn. Được khởi xướng bởi CLB Hawa Miền Bắc và quy tụ các doanh nghiệp uy tín như: Gỗ Minh Long, Woodsland, Becker Chem, Khóa Huy Hoàng, chuỗi sự kiện Mộc Kết ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong ngành kiến trúc - nội thất Việt Nam.

Sau thành công tại Hà Nội và Nam Định, Mộc Kết tiếp tục hành trình lan tỏa giá trị đến miền Trung, hứa hẹn là bệ phóng giúp cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia giải quyết các nút thắt, vạch ra lộ trình phát triển dài hạn, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành kiến trúc - nội thất Việt Nam hùng mạnh và mang đậm dấu ấn riêng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate