October 19, 2022 | 16:14 GMT+7

Môi giới dụ dỗ lao động thi tuyển rồi “bùng”

Đỗ Mến -

Trong nhiều vụ việc, các cá nhân đứng vai trò môi giới đã đưa các thông tin gian dối với đơn hàng “ảo” để đánh lừa các lao động nhẹ dạ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bị can Phạm Tiến Dũng (SN 1992, ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

THI TUYỂN XONG RỒI “BÙNG”

Theo cáo trạng, Dũng làm nghề môi giới xuất khẩu lao động tự do. Khoảng tháng 4/2019, Dũng đến Trung tâm đào tạo Nhật Ngữ Pháp Vân do Công ty cổ phần dịch vụ hợp tác quốc tế Trường Thịnh thành lập và hoạt động.

Tại trung tâm, Dũng giới thiệu với những người làm môi giới xuất khẩu lao động và người muốn đi xuất khẩu lao động mình là giám đốc, quản lý trung tâm. Dũng đưa ra thông tin gian dối là có đơn hàng chế biến thực phẩm (cơm hộp) tại tỉnh Saitama, Nhật Bản và đơn hàng đóng gói công nghiệp tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản nên đang cần tuyển lao động.

Để những người muốn đi xuất khẩu lao động tin tưởng về đơn hàng là có thật, Dũng đưa người lao động đến thi tuyển tại cơ sở nào ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Sau đó, Dũng báo cho người lao động dự thi tuyển là đã đỗ đơn hàng và yêu cầu người lao động nộp tiền chi phí xuất khẩu.

Khi đã nhận tiền của người lao động, Dũng chỉ để người lao động học tiếng Nhật tại Trung tâm đào tạo Nhật ngữ Pháp Vân mà không làm bất kỳ thủ tục gì cho người lao động đi Nhật Bản.

Đến tháng 9/2019, Trung tâm đào tạo Nhật ngữ đóng cửa, Dũng báo một số lao động về nhà chờ ngày đi xuất khẩu, số còn lại đến số 93 phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội học tiếng Nhật.

Nhóm này học tiếng Nhật đến tháng 11/2019 thì kết thúc, người lao động chờ ngày đi xuất khẩu. Nhưng bẵng thời gian, họ không thấy thông báo nên hỏi thì Dũng viết cam kết cho 9 lao động xuất khẩu vào tháng 1/2020 và tháng 3/2020. Sau đó, Dũng lại báo với người lao động là đơn hàng bị hủy.

Dũng viết cam kết đến tháng 03/2020, sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận cho người lao động. Tuy nhiên, Dũng chỉ trả lại được một phần tiền cho người lao động, số tiền còn lại đối tượng chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân.

Trong số các bị hại có anh Trần Đức L. (SN 2000, ở Hà Tĩnh). Khoảng tháng 6/2019, anh L. được bạn giới thiệu đến Trung tâm Nhật ngữ Pháp Vân có tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Tại đây, anh L. được Dũng giới thiệu tư vấn đơn hàng đi lao động tại Nhật Bản, thủ tục bắt buộc là học tiếng Nhật thời gian 4 tháng, cam kết bao thi tuyển đỗ và sẽ làm thủ tục sang Nhật với chi phí 160 triệu đồng.

Theo yêu cầu của Dũng, anh L. đã nộp 10 triệu đồng để thi tuyển đơn hàng đóng gói công nghiệp. Sau đó, bị hại tiếp tục chuyển khoản 80 triệu đồng. Anh L. học tiếng Nhật xong thì Dũng báo nghỉ chờ ngày đi nhưng quá thời hạn, anh L. biết đơn hàng bị hủy. Mặc dù Dũng hứa hẹn sẽ trả lại tiền nhưng đến nay vẫn chưa trả lại.

Hiện anh L. đã đi xuất khẩu lao động Đài Loan nên ủy quyền cho mẹ tham gia giải quyết vụ việc. Gia đình anh L. yêu cầu Dũng bồi thường theo quy định pháp luật.

Một trường hợp khác là anh Quản Ngọc A. (SN 1999, ở Phú Thọ) bị Dũng chiếm đoạt số tiền 110 triệu đồng. Thông qua quan hệ xã hội, anh A. gặp Dũng và chị Lê Thị Xuân (SN 1987, ở Thanh Hóa) để làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Anh A. đã nộp cho chị Xuân 110 triệu đồng. Chị Xuân đã đưa tiền cho Dũng. Do Dũng không làm thủ tục cho anh A. đi xuất khẩu nên đã chị Xuân đã giới thiệu A. đến làm thủ tục tại Công ty cổ phần Quốc tế T&T Hà Nội. Đến nay, Công ty T&t đã làm xong thủ tục xuất cảnh, anh A. đã có tư cách lưu trú Nhật Bản và chờ ngày xuất cảnh.

Theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền Dũng chiếm đoạt của các bị hại là hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện bị can mới khắc phục một phần thiệt hại, còn chiếm đoạt gần 486 triệu đồng.

Cơ quan điều tra cũng lấy lời khai của giám đốc Trung tâm Nhật ngữ Pháp Vân là anh Vũ Ngọc M (SN 1988). Anh này cho biết có thuê Dũng quản lý phòng, trang thiết bị và hướng dẫn tiếng Nhật Bản cơ bản cho các lao động tại trung tâm và trả công 8 triệu đồng/ 1tháng.

Khoảng tháng 6/2019, anh M. thấy nhiều lao động tại trung tâm và hỏi thì được Dũng cho biết đây là những lao động đã trúng tuyển đơn hàng đi xuất khẩu lao động tại một công ty khác tại tỉnh Ninh Bình và gửi học tiếng Nhật Bản cơ bản tại trung tâm.

Mỗi lao động sẽ đóng phí tiền học tiếng Nhật Bản từ 1,8 triệu đồng – 2 triệu đồng/1 tháng. Anh M. đồng ý và yêu cầu Dũng cho số tiền học viên đóng vào quỹ chung của trung tâm để trả chi phí duy trì trung tâm. Đến tháng 8/2019, anh M. không làm nhân viên của công ty Trường Thịnh, không làm giám đốc trung tâm Nhật ngữ Pháp Vân nữa.

Quá trình điều tra, Dũng khai không bàn bạc, thống nhất với anh M. về việc nhận tiền và hứa hẹn đưa các lao động đi xuất khẩu tại Nhật Bản. Vì vậy, công an xác định anh M. không đồng phạm với Dũng.

THAY ĐỔI THÔNG TIN ĐỂ TRỐN TRÁNH

Lợi dụng sự cả tin và thiếu thông tin về xuất khẩu lao động của nhiều người dân, trong thời gian từ năm 2019-2022, đối tượng Quản Trọng Long (SN 1984, trú tại phường Quang Trung, TP Hải Dương) đã lừa đảo chiếm đoạt của 17 bị hại với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Long về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù không có khả năng đưa người lao động trong nước đi xuất khẩu lao động nhưng thông qua mạng xã hội, Long đăng tải thông tin mời chào người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Canada. Để người lao động tin tưởng, Long giới thiệu bản thân là giáo viên dạy tiếng Hàn tại các trung tâm ngoại ngữ và có khả năng đưa người lao động sang Hàn Quốc, Canada làm việc.

Quá trình gặp gỡ, làm việc với các bị hại, Long tư vấn, yêu cầu họ nộp hồ sơ cho mình để làm thủ tục xuất khẩu lao động. Sau khi nhận hồ sơ của những người này, Long mang về nhà cất giấu. Sau đó, Long lên mạng tải hình ảnh visa về, lấy ảnh của bị hại ghép vào visa để tạo lòng tin cho bị hại. Sau đó, đối tượng giới thiệu bị hại đi khám sức khỏe tại Hà Nội và làm một số thủ tục khác.

Khi nhận tiền của bị hại, Long sử dụng giấy CMND giả (mẫu CMND cũ - mua trên mạng xã hội). Ảnh, địa chỉ trong CMND giả này Long vẫn sử dụng ảnh và địa chỉ thật của mình, chỉ thay đổi năm sinh từ 1984 thành 1979. Với sự thay đổi này, Long nghĩ sau này bị hại sẽ không tìm được mình.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate