Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhấn mạnh "nỗi sợ" mỗi khi bước vào nhà cao tầng khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa Luật Xây dựng, sáng 18/9.
Mới có hiệu lực chưa được 5 năm, song Luật Xây dựng hiện hành, theo Chính phủ cần được sửa đổi, bổ sung.
Trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu một số hạn chế, vướng mắc của Luật Xây dựng 2014.
Một trong số đó là việc thành lập, vận hành ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quy định tại điều 62 bắt buộc đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án theo chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong một số trường hợp khó thực hiện.
Như, một số bộ, cơ quan ngang bộ có rất ít dự án, dự án quy mô nhỏ, việc duy trì ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực khó thực hiện do không đủ kinh phí lấy từ chi phí quản lý dự án theo quy định. Hay các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức: đầu tư tại các công ty con, công ty thành viên, hợp tác liên doanh,..., việc bắt buộc quản lý dự án thông qua ban chuyên ngành, khu vực làm giảm tính chủ động của các đơn vị này.
Bộ trưởng Hà cho biết phạm vi sửa đổi lần này tuân thủ ba nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Cụ thể, nhóm chính sách 1 cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
Nhóm chính sách 2 bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng...
Nhóm chính sách 3 là hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: quản lý đầu tư xây dựng theo nguồn vốn sử dụng; đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quy định về cấp giấy phép đối với công trình quảng cáo...
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đồng ý với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng việc ban hành luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, các ý kiến tại phần thảo luận còn không ít băn khoăn với các nội dung được sửa đổi.
Lo lắng về tình trạng vi phạm trật tự quản lý xây dựng hiện nay, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý cho rằng dự thảo luật chưa bật ra được tinh thần chấn chỉnh các vi phạm này.
Mỗi khi bước vào chung cư, nhà cao tầng sợ lắm, trong khi quy định để đảm bảo an toàn ở những công trình này nằm trong tầm tay của cơ quan quản lý nhà nước, ông Tuý nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn khi báo cáo của Bộ Xây dựng đánh giá là tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi vừa qua có nhiều vụ việc sai phạm lớn được công bố, có một số vụ khởi tố rồi.
Uỷ ban Tư pháp cũng nhận định có những công trình xây dựng sai phép, không phép nhưng đến khi phát hiện thì chỉ khởi tố doanh nghiệp. Vậy sai phạm này có bao nhiêu người tiếp tay vào, phải đánh giá rõ vi phạm của các chủ thể từ đó chấn chỉnh quản lý nhà nước, bà Nga nói.
Bà Nga cũng đặt vấn đề lần sửa đổi này có giải quyết được vấn đề chấn chỉnh lại hoạt động của thanh tra chuyên ngành xây dựng không, khi vừa rồi có vụ việc tai tiếng liên quan đến thanh tra của Bộ và Uỷ ban Tư pháp từng nêu vấn đề chống tham nhũng ngay trong lực lượng chống tham nhũng.
Ai cũng thấy công trình đầu tư công làm thì lâu xuống cấp thì nhanh, cái gì trong luật này dẫn đến điều đó, có lỗi từ luật này không", Chủ nhiệm Nga tiếp tục nêu câu hỏi.
Sửa luật là cần, nhưng phải xác định những cái cấp bách, phải tổng kết rất kỹ, bà Nga đề nghị.
Hồi âm ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Hà thừa nhận những hạn chế được nêu trên là chính xác.
Những hạn chế trong lĩnh vực xây dựng sẽ được tiếp thu sửa đổi cả về quy hoạch, quy chuẩn và cả trong công tác thanh tra. Sai phạm cụ thể như thanh tra của Bộ vừa rồi xử rất nghiêm theo quy định, Bộ trưởng Hà nói.
Ông Hà cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là chỉ sửa đổi một số vấn đề cần thiết và nếu sửa được thì sẽ tạo bước chuyển lớn trong đầu tư, kinh doanh.