Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tri ân, tôn vinh người có công với cách mạng.
GẦN 1,2 TRIỆU NGƯỜI CÓ CÔNG ĐANG HƯỞNG TRỢ CẤP HÀNG THÁNG
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, có trên 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 320.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học,… , trong đó có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Thực hiện các chế độ ưu đãi người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua việc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống của người có công.
Tính đến ngày 31/12/2021, số người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 1,2 triệu người và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (bao gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa,...).
Đối với ưu đãi về nhà ở, sau hai giai đoạn triển khai (giai đoạn 2013 - 2017 và giai đoạn 2017 - 2019), việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng tại các tỉnh, thành phố đã hoàn thành với tổng số 393.707 hộ người có công được hỗ trợ, tổng kinh phí thực hiện là 10.653.422 triệu đồng.
Người có công cũng được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện có gần 1.815.000 đối tượng người có công được Nhà nước mua bảo hiểm y tế (ngoài thân nhân người có công đã được Nhà nước mua bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế) với kinh phí trên 1.460 tỷ đồng/năm. Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người có công được thanh toán 100%.
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, đã có khoảng 49.000 người có công và con của họ được hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trong đó có trên 24.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp và 25.000 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận trên 2.700 người là con của thương binh, con bệnh binh nặng vào làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng, trong đó có 338 cháu là con của thương binh, con bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh.
Các địa phương đều có chính sách ưu tiên khi tuyển dụng việc làm đối với người có công, thân nhân người có công thông qua nhiều hình thức như: Ưu tiên về cộng điểm, tiêu chí, tiêu chuẩn...
MINH BẠCH CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG
Mặc dù vậy, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn còn những tồn tại trong thực hiện chính sách đối với người có công. Trong đó, việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công không còn lưu giữ giấy tờ gốc là vấn đề phức tạp. Phần lớn trường hợp tồn đọng là các đối tượng hoạt động cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, hồ sơ, thủ tục không đầy đủ, nhiều hồ sơ không có thông tin liên quan đến việc hy sinh hoặc bị thương, bị bệnh của các đối tượng.
Nhiều trường hợp đã có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền không đủ cơ sở để xem xét, giải quyết nhưng vẫn tiếp tục gửi đề nghị, kiến nghị giải quyết chính sách.
Qua công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công cho thấy tại một số địa phương đã phát hiện một số trường hợp lập hồ sơ giả trong việc khám giám định, di chuyển để thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công.
Bên cạnh đó, hiện nay tại các địa phương vẫn còn phát sinh các hộ người có công có khó khăn về nhà ở. Về việc này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết giao cho các địa phương chủ động bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương, tuy nhiên hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các địa phương chưa bố trí được nguồn vốn, do đó việc triển khai hỗ trợ nhà ở đối với các hộ phát sinh chưa đáp ứng được nguyện vọng của người có công.
Công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, do các thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, nơi an táng ban đầu, nơi quy tập không đầy đủ; hài cốt liệt sĩ chôn cất đã lâu, thân nhân liệt sĩ để lấy mẫu không còn thân nhân trực tiếp, chất lượng giám định AND còn hạn chế…
Trong giai đoạn 2021 – 2026, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách. Tiếp tục rà soát, giải quyết trường hợp người có công với cách mạng còn tồn đọng.
Thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ người có công về nhà ở…, phấn đấu để không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo...
Phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Đề án hỗ trợ cải thiện hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2021-2025.
Triển khai có hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg. Mục tiêu đến năm 2030 là xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định AND với số lượng 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Hiện nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa biết thông tin.
Tính từ năm 2012-2021, Tổng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước huy động được gần 7.370 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương đạt gần 45 tỷ đồng, Quỹ địa phương đạt hơn 7.320 tỷ đồng.
Về hỗ trợ nhà tình nghĩa, cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 153.300 hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Hiện nay còn 3.625 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Đến nay, 98,6% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phấn đấu năm 2025, đạt 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương nơi cư trú.