Mới đây, trong 4 ngày liên tiếp từ 08/11-11/11/2021, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 Tiền Giang đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 9 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Châu Thành và Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Tại thời điểm kiểm tra, lấy 15 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Đến nay, đã có kết quả kiểm nghiệm với 8/15 mẫu vi phạm (chiếm 53,3% tổng số mẫu), trị giá hàng hóa vi phạm hơn 360 triệu đồng; gồm 5 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 3 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trong số 05 mẫu phân bón là hàng giả, do có 3 mẫu có dấu hiệu tội phạm theo Điều 195 Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên đã chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Công an các huyện Châu Thành, Tân Phước để tiếp tục điều tra xử lý. Còn lại 2 mẫu đã xử lý, thu phạt gần 46 triệu đồng.
Đối với 3 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, đã xử lý 1 mẫu, thu phạt hơn 21 triệu đồng; còn lại 2 mẫu đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng tại các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu long như Tiền Giang, Long An... trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp.
Theo thống kê từ Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường bắt giữ khoảng 4.000 vụ phân bón giả. Thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tiếp triệt phá hàng loạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả trên địa bàn cả nước.
Liên tục phát hiện và xử phạt, tuy nhiên phân bón giả vẫn tràn lan trên thị trường, khiến hàng triệu người nông dân đứng trước nguy cơ đe dọa và nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính đang phải gánh chịu thiệt hại.
Theo các chuyên gia, để dẫn đến thực trạng như hiện nay là vì cả nước có quá nhiều cơ sở, nhà sản xuất (có tới trên 1.000 cơ sở với 7.000 chủng loại phân bón), nên phân bón giả dễ trà trộn, tiêu thụ dễ dàng và vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Mặt khác, do lực lượng quản lý về lĩnh vực này rất mỏng, kinh phí dành cho quản lý ít, đội ngũ quản lý không thống nhất, đặc biệt, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống.
Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, do số vụ việc bị khởi tố rất ít, đa phần áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, trong khi lợi nhuận từ phân bón giả rất lớn.