Nội dung cuộc trò chuyện với TS. Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Trong thời gian qua, một số nhà máy sản xuất đường không thu mua hết mía của nông dân theo hợp đồng. Vì sao có tình hình đó thưa ông?
Định hướng của Chính phủ là khuyến khích các nhà máy đường thu mua toàn bộ mía nguyên liệu từ nông dân. Hiện nay, tất cả các nhà máy ở miền Bắc, miền Trung đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người trồng mía. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân chưa tha thiết với kiểu đầu tư này.
Giá thu mua mía nguyên liệu vụ này theo khuyến cáo của Hiệp hội Mía đường là 350-450 ngàn đồng/tấn mía, đây là mức giá được ký từ đầu vụ sản xuất (giữa năm 2007). Đặc thù của ngành mía đường là phải hoạt động theo thời vụ, cây mía trồng 1 năm, vụ thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau.
Đến nay, do chi phí phân bón, xăng dầu, giống, công lao động... tăng cao, nên với giá thu mua hiện nay thì nông dân sẽ không có lãi. Các nhà máy đường cũng không thể tăng giá thu mua lên, vì giá đường đang thấp.
Các nhà máy đường hàng ngày phải thu mua mía nguyên liệu từ hàng ngàn hộ nông dân, mỗi hộ vài chỉ vài tạ, nên khâu thu mua và vận chuyển mía vô cùng phức tạp. Ở một số nơi, những chủ xe chuyên vận chuyển mía đòi tăng cước phí lên rất cao.
Hiện nay giá thành sản xuất đường trắng tại miền Bắc là 7 -7,5 ngàn đồng/kg, ở miền Nam lên đến 7,5 -7,8 ngàn đồng/kg, (chưa tính thuế GTGT, chi phí tiêu thụ). Giá thành sản xuất cao, trong khi giá đường bán ra giảm, dưới 8.000 đồng/kg, nên nhiều nhà máy sản xuất đường lâm vào tình trạng thua lỗ.
Vì vậy, một số nhà máy hoạt động sản xuất cầm chừng, gây ảnh hưởng đến nông dân trồng mía.
Xin ông cho biết nguyên nhân khiến giá đường bán ra thấp hơn giá thành sản xuất trong nước?
Theo cam kết với WTO và AFTA, nước ta cho phép nhập khẩu 58 ngàn tấn đường trong hạn ngạch năm 2008, thuế suất nhập khẩu đường trắng là 40% với WTO và 20% với AFTA. Nhưng hiện nay, mỗi ngày có 400-500 tấn đường đang bị nhập lậu qua biên giới Tây Nam và cửa khẩu Lao Bảo, khiến Nhà nước thất thu khoảng 500 triệu đồng tiền thuế mỗi ngày.
Đường sản xuất tại Thái Lan có giá thành thấp hơn, vì giá mua mía nguyên liệu rẻ hơn, công nghệ sản xuất hiện đại hơn, lại không phải chịu thuế xuất khẩu. Giới buôn lậu luôn theo sát giá đường trong nước, họ thường bán rẻ hơn 300 đồng/kg so với đường sản xuất trong nước.
Vì không cạnh tranh được, các nhà máy trong nước phải hạ giá bán đường và giá mua mía, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu nông dân. Nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nhà máy đường phải ngừng sản xuất.
Việc trồng mía ở nước ta còn những bất cập nào khiến giá thành mía nguyên liệu cao như vậy?
Theo định hướng quy hoạch của Chính phủ về sản xuất mía đường đến năm 2010, diện tích đất dành cho trồng mía không được vượt quá 300 ngàn ha, và phải thúc đẩy năng suất lên 65 tấn/ha, tăng chữ đường lên 11 CCS.
Thế nhưng, diện tích trồng mía cả nước hiện nay đã trên 310 ngàn ha. Kế hoạch năm 2008, sản lượng mía đạt khoảng 17-18 triệu tấn, thế nhưng sản lượng mía năm nay chưa tới 17 triệu tấn, mới chỉ đáp ứng 70-80% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy đường.
Hiện trạng năng suất và chất lượng mía của nước ta đều kém so với các nước trong khu vực. Năng suất mía ở nước ta mới đạt 54,8 tấn/ha, theo quy hoạch đến năm 2010 phấn đấu đạt 65 tấn/ha, trong khi Trung Quốc đã đạt 70-80 tấn/ha, Thái Lan đạt 70-80 tấn. Độ đường thương mại trong mía (CCS) của nước ta bình quân mới chỉ đạt 8-10 CCS, trong khi Trung Quốc đã đạt 12-14, Thái Lan đạt 14-16 CCS.
Vấn đề vô cùng quan trọng là giống mía, một ha mía cần 8-10 tấn giống, nên không có đủ vốn để nhập giống phục vụ sản xuất. Để lai tạo ra một giống mía tốt, phải mất 5-7 năm. Nước ta chưa có nhiều trung tâm nghiên cứu về giống mía, đồng thời hạn chế về trang thiết bị. Hoạt động hiệu quả, chỉ có Viện Nghiên cứu giống mía Bến Cát, nhưng viện này cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu giống mía trong vùng.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, cần có những giải pháp nào, thưa ông?
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ và nghành mía-đường cần phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp.
Một là, cần ngay lập tức quản lý chặt chẽ đường nhập khẩu theo cam kết WTO và AFTA, ngăn chặn triệt để hiện tượng nhập lậu đường qua biên giới.
Hai là, Nhà nước cần phê duyệt quy hoạch cụ thể về vùng nguyên liệu cho từng nhà máy đường, đảm bảo diện tích và sản lượng nguyên liệu cho các nhà máy phát triển ổn định.
Ba là, xây dựng quy hoạch và có chính sách khuyến khích chương trình giống mía, du nhập và nhân nhanh các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao.
Bốn là, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có kế hoạch và chính sách đầu tư các công trình thủy lợi tưới nước cho mía, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa canh tác mía, đặc biệt khâu làm đất và khâu thu hoạch.
Năm là, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, giúp sớm hoàn thành cổ phần hóa tại 4 nhà máy đường: Kon Tum, Trà Vinh, Sóc Trăng, Thái Bình. Đồng thời cơ cấu lại phần vốn ở một số công ty và nhà máy đường đã cổ phần hóa mà phần sở hữu nhà nước đang còn chiếm tỷ lệ cao.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate