UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Văn bản nêu rõ theo các quyết định của Bộ Giao thông vận tải, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện phân kỳ với bề rộng nền đường 17m gồm 4 làn xe cao tốc rộng 3,5m và dải phân cách giữa, có bố trí điểm dừng xe khẩn cấp ngắt quãng.
Trong thời gian khai thác miễn phí từ ngày 30/4/2022 và khai thác chính thức có thu phí từ ngày 9/8/2022 xuất hiện một số vấn đề cấp bách.
Theo đó, dự án giai đoạn 1 chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp có chiều rộng khoảng 2m. Hiện toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10 km/1 dải/1 chiều.
Theo ghi nhận của UBND tỉnh Tiền Giang, lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện khá lớn. Do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây hơn 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện.
"Việc bố trí này không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể tự chạy tới điểm dừng", UBND tỉnh Tiền Giang cho hay.
Đồng thời, phương tiện cứu nạn, cứu hộ sẽ không kịp thời xử lý các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định.
Căn cứ cơ sở phân tích trên, UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, bằng vốn ngân sách do Trung ương hỗ trợ.
Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,5km, với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Dự án được khởi công năm 2009 nhưng bị đình trệ suốt 10 năm. Năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả được mời quản trị và điều hành dự án.
Sau 3 năm triển khai thi công, vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, giá vật liệu tăng phi mã, vận chuyển khó khăn do hạn - mặn, Tập đoàn Đèo Cả đưa dự án về đích đúng hẹn, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, tiến độ, tuân thủ theo hợp đồng BOT đã ký. Dự án đã được thu phí hoàn vốn từ ngày 9/8/2022.
Đến nay, tuyến cao tốc chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho Quốc lộ 1. Qua đó, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Tuy nhiên, sau khi khai thác đồng thời cả tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận phát sinh một số bất cập do lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quá lớn. Do đó, việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.