Trong phiên sáng nay, Công ty SJC ghi nhận 2 lần điều chỉnh tăng giá giao dịch vàng miếng SJC.
Cập nhật lúc 10h30 ngày 22/4/2025, Công ty SJC, PNJ, DOJI và Bảo Tín Minh Châu cùng niêm yết giá vàng miếng ở mức 120,5 triệu đồng/lượng mua vào và 122,5 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 4,5 triệu đồng đối với chiều mua và chiều bán so với chốt phiên hôm qua (21/4). Cùng mức tăng trên, Bảo Tín Mạnh Hải niêm yết giá vàng miếng ở mức 120,8 triệu – 122,45 triệu đồng mỗi lượng.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng miếng mua vào ở mức 119 triệu đồng và bán ra 122 triệu đồng/lượng, tăng 3,5 triệu đồng đối với chiều mua và tăng 4 triệu đồng đối với chiều bán.
Tại khu vực phía Nam, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Ngọc Thẩm cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung. Tính đến 10h30 ngày 22/4, giá mua vàng miếng ở doanh nghiệp này là 120 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra lên tới 129 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng tăng 1,5 triệu đồng đối với chiều mua trong khi chiều bán tăng tới 5 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay bật tăng hơn 1,62% so với giá chốt phiên hôm qua (21/4), tương đương với mức tăng 55,3 USD/oz. Cập nhật lúc 10h30 ngày 22/4, giá vàng thế giới tiến lên mốc 3490 USD/oz.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (đã bao gồm thuế và phí...), chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới phổ biến ở mức 11,59 triệu đồng mỗi lượng. Tuỳ từng thương hiệu, giá vàng nhẫn “4 số 9” cao hơn giá vàng thế giới từ 8,09 triệu – 11,59 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn tại các thương hiệu ở phía Nam và giá thế giới đều thấp hơn từ 3 – 4 triệu đồng so với các thương hiệu kinh doanh ở phía Bắc. Cụ thể, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn tại Mi Hồng và giá thế giới chỉ ở mức 8,09 triệu đồng mỗi lượng và Ngọc Thẩm là 7,59 triệu đồng mỗi lượng.
Tại Mi Hồng, giá mua vào vàng miếng tăng 3,5 triệu đồng đối với chiều mua trong khi chiều bán tăng 4,5 triệu đồng, niêm yết ở mức 121 triệu đồng còn giá bán ra là 122,5 triệu đồng mỗi lượng.
Chênh lệch giá mua/bán vàng miếng SJC trên thị trường phổ biến vẫn neo ở mức 2 triệu đồng/lượng từ cuối tuần trước. Tại khu vực phía Nam, chênh lệch giá mua/bán vàng miếng tại Mi Hồng chỉ còn 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty Ngọc Thẩm là thương hiệu có giá giao dịch vàng miếng cao nhất thị trường cũng như ghi nhận mức điều chỉnh lớn nhất, kéo chênh lệch mua/bán quay trở lại mức 9 triệu đồng/lượng, phản ánh rủi ro rất lớn đối với người mua.

Nguồn: VnEconomy cập nhật từ các doanh nghiệp
Trên thị trường vàng nhẫn, mở cửa phiên giao dịch sáng 22/4, một số thương hiệu điều chỉnh giá vàng nhẫn “4 số 9” tăng mạnh từ 1,5 đến 5 triệu đồng đối với chiều mua vào và từ 2,5 – 4,7 triệu đồng mỗi lượng đối với chiều bán so với chốt phiên 21/4.
Mở cửa phiên sáng, Công ty SJC nâng giá mua/bán vàng nhẫn lên mức 115,5 triệu – 118,5 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng ở cả hai chiều so với phiên hôm qua (21/4).
Sau 1 tiếng mở cửa, giá giao dịch vàng nhẫn tại thương hiệu này tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tính đến đến 10h30 ngày 22/4, Công ty SJC niêm giá mua vàng nhẫn ở mức 116 triệu đồng/lượng và giá bán là 119 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1,5 triệu đồng đối với chiều mua và chiều bán.
Biên độ giá mua/bán 117 triệu – 120 triệu đồng/lượng cùng được niêm yết tại DOJI và PNJ. Giá vàng nhẫn tăng 3,5 triệu đồng đối với chiều mua trong khi chiều bán tăng lần lượt 3 và 3,1 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng mạnh ở cả 2 chiều mua và bán đối với giá vàng nhẫn tại. Cập nhật lúc 10h30 ngày 22/4, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua/bán vàng nhẫn ở mức 119,5 triệu – 122,5 triệu đồng/lượng, tăng 5 triệu đồng đối với chiều mua và tăng 4,5 triệu đồng đối với chiều bán.
Giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Mạnh Hải tăng 5,05 triệu đồng đối với chiều mua và tăng 4,45 triệu đồng đối với chiều bán so với phiên 21/4, niêm yết giá giao dịch vàng nhẫn ở mức 119,8 triệu – 122,45 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Phú Quý niêm yết giá mua vào vàng nhẫn ở mức 118,5 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức 121,5 triệu đồng/lượng. So với giá chốt phiên 21/4, giá vàng nhẫn tại thương hiệu này tăng 4,7 triệu đồng mỗi lượng đối với chiều mua và chiều bán.
Tại khu vực phía Nam, mở cửa phiên sáng, Mi Hồng vẫn giữ nguyên giá mua/bán vàng nhẫn ở mức 113,5 triệu – 116 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Chỉ trong vòng 2 tiếng mở cửa, giá vàng nhẫn ghi nhận tới 4 nhịp điều chỉnh tăng liên tiếp. Tính đến 10h30 ngày 22/4, thương hiệu này niêm yết giá mua/bán vàng nhẫn ở mức 117 triệu – 119 triệu đồng mỗi lượng, tăng 3,5 triệu đồng ở chiều mua và tăng 3 triệu đồng ở chiều bán.
Ngọc Thẩm vẫn là thương hiệu ghi nhận mức điều chỉnh giá vàng nhẫn khiêm tốn nhất trên thị trường khi chiều mua vàng chỉ tăng 1,5 triệu đồng và chiều bán ra tăng 2,5 triệu đồng so với giá chốt phiên 21/4. Thương hiệu này này niêm yết giá giao dịch vàng nhẫn ở mức 111,5 triệu – 118,5 triệu đồng mỗi lượng. Dù là thương hiệu niêm yết giá giao dịch vàng nhẫn thấp nhất thị trường nhưng Ngọc Thẩm ghi nhận biên độ chênh lệch giá mua/bán cao nhất, ở mức 7 triệu đồng/lượng, tăng gần gấp đôi so với đầu tuần trước.