Đây là một trong những thông tin được Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nêu trong báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên (giai đoạn 2020 - 2023).
TỶ LỆ THANH NIÊN CÓ XU HƯỚNG GIẢM MẠNH
Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Việt Nam đang ở trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, có nhiều thuận lợi về lực lượng lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (năm 2022, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 51,7 triệu người).
Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên hiện đang có xu hướng giảm mạnh trong cả cơ cấu dân số lẫn lực lượng lao động. Năm 2020, Việt Nam có khoảng 22,6 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi, chiếm 23,2% dân số, thì đến năm 2022 giảm xuống còn hơn 20,72 triệu người, chiếm 20,9% dân số.
Tương tự, lao động thanh niên năm 2019 là 13,99 triệu người, đến năm 2022 chỉ còn 10,6 triệu người.
Báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2021, triển vọng 2030 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế cũng phản ánh, lực lượng lao động độ tuổi 15-24 tuổi có xu hướng giảm bình quân 2,15%/năm (tương ứng giảm 170.000 người/năm). Việt Nam cũng nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Lực lượng lao động thanh niên với quy mô lớn vừa là nguồn cung dồi dào, song cũng tạo ra sức ép lớn trong giải quyết việc làm bền vững, nhất là khi số thanh niên chưa qua đào tạo vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ này ở năm 2022 là 73,7%.
Trong 10 năm 2011-2021, năng suất lao động Việt Nam nói chung (trong đó có lao động thanh niên) tăng 2,5 lần (từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021), tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đạt 6,0%.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng).
Mặc dù năng suất lao động của thanh niên có sự cải thiện đáng kể, song nhìn chung, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch có xu hướng gia tăng.
“Thực trạng trên cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về thế hệ lao động tương lai, là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục nhận định.
KHÔNG TẠO ĐƯỢC ĐỘT PHÁ VỀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, KHÓ THOÁT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH
Cải thiện vấn đề tăng năng suất lao động cũng là vấn đề được nhiều đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội.
Trong phiên thảo luận chiều 1/11, Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao năng suất lao động.
Theo đại biểu, đây là vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
“Nếu không tạo được năng suất lao động đột phá trong 3 đến 5 năm tới, Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số già đi khó thành hiện thực”, đại biểu tỉnh Ninh Bình nhận định.
Trong khi đó, năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu quan trọng này không đạt được mục tiêu đề ra giai đoạn 2021 – 2025. Với tầm quan trong và tính cấp bách của việc nâng cao năng suất lao động, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 31/10, Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cũng kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc cải thiện năng suất lao động.
Đồng thời, Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, năng suất lao động, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội ban hành chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương các chủ trương đặt ra.