Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kiến nghị lần thứ 3 lên Chính phủ và Thủ tướng về việc tháo gỡ vướng mắc lớn nhất của cộng đồng thủy sản hiện nay đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục kiểm dịch.
Bất cập này đã tồn tại suốt 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bỏ quy định phải kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để sản xuất, xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.
VASEP còn kiến nghị bỏ quy định kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu tiêu thụ nội địa, bởi những sản phẩm này được đánh giá không có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản vào Việt Nam (các thuỷ sản chế biến dưới dạng đông lạnh, hàng khô… dùng làm thực phẩm cho người).
Ngoài ra, trong văn bản kiến nghị lần này, ngành thủy sản còn kiến nghị sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy.
Đây là lần thứ 3 trong năm VASEP kiến nghị liên quan đến nội dung này. Hai lần trước đó là tháng 3 và tháng 5. Ở những lần góp ý trước đó, VASEP đều nhất quán cho rằng việc kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến từ động vật và sản phẩm động vật thủy sản sử dụng cho người tiêu dùng theo Nghị định 15/2020 hướng dẫn một số điều Luật An toàn thực phẩm là đúng bản chất, cơ sở khoa học, pháp lý và theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, do hoạt động quản lý sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thủy sản cho người tiêu dùng thuộc danh mục "kiểm dịch nhập khẩu", nên sản phẩm còn bị kiểm dịch thú y, với quy trình và thủ tục bị phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều sản phẩm đáng ra được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm thì vẫn bị kiểm tra theo quy định về kiểm dịch thú y.
Cũng theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản, cách đây 3 năm, Hàn Quốc cũng thông báo về việc kiểm soát dịch bệnh với một số tác nhân virus gây bệnh trên sản phẩm tôm, cá nước ngọt và hàu, bào ngư nhập khẩu vào nước này.
Một trường hợp nữa là Trung Quốc cũng chỉ ban hành quy định giám sát dịch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng còn sống (giống EU) về virus gây bệnh còi, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, bệnh đốm trắng và hội chứng Taura của 3 giai đoạn nuôi. Nước này không quy định kiểm soát dịch bệnh sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm.
Như vậy, chỉ Australia và Hàn Quốc mới có quy định và thực thi kiểm dịch, kiểm soát tác nhân virus gây bệnh cho tôm, cá đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Và họ đều có đánh giá khoa học cũng như công khai bản chất của quy trình là kiểm dịch, khác với việc kiểm tra an toàn thực phẩm thủy sản mà Cục Thú y đang áp dụng.