December 12, 2013 | 10:47 GMT+7

Một năm của các bộ trưởng: Ông Bùi Quang Vinh và thông điệp minh bạch

Anh Minh

“Có đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với tôi, thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình”

Ông Bùi Quang Vinh tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Kế 
hoạch và Đầu tư vào tháng 8/2011, giữa bối cảnh nền kinh tế Việt Nam 
đang trong giai đoạn thử thách nhất.
Ông Bùi Quang Vinh tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 8/2011, giữa bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn thử thách nhất.
Xuyên suốt nửa nhiệm kỳ Bộ trưởng, các câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công… đã chiếm phần lớn thời gian làm việc của ông Bùi Quang Vinh.

Từ “quan đầu tỉnh” đến “lãnh đạo siêu bộ”

Với quyết định điều động của Thủ tướng, ông Bùi Quang Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã “về Hà Nội” từ tháng 3/2010, trở thành Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đồng thời hai vị ủy viên Trung ương Đảng, gồm ông Vinh và nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Đó là thời điểm nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đang trên đường hoàn thành nhiệm kỳ hai của chức danh Bộ trưởng. Sự có mặt của một ủy viên Trung ương khác trẻ hơn 8 tuổi là một chỉ dấu về sự thay thế, như chính câu chuyện của ông Võ Hồng Phúc, từng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngay khi còn là Thứ trưởng, “cấp phó” cho Bộ trưởng tiền nhiệm là ông Trần Xuân Giá.

Ông Bùi Quang Vinh tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 8/2011, giữa bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn thử thách nhất. Trong khi tự tin với hành trang đã có với tỉnh Lào Cai, ông biết những thử thách lớn đang chờ đợi phía trước.

Lào Cai, nơi ông Vinh làm Chủ tịch từ 2001 và làm Bí thư từ 2005, đã không “cam chịu” hoàn cảnh của một tỉnh nghèo miền núi. Với lợi thế từ một cửa khẩu quốc tế, một thị trấn du lịch nổi tiếng và nguồn khoáng sản phong phú, Lào Cai từng bước tô đậm mình trên bản đồ phát triển kinh tế của cả nước. Nhưng không chỉ có tiềm năng, trong cảm nhận của nhiều người từng đến Lào Cai, sự năng động của giới chức chính quyền là một sự khác biệt. 

Từ năm 2006, trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lào Cai luôn đứng ở nhóm tốt và rất tốt. Đặc biệt, năm 2011 Lào Cai đã vươn lên đứng đầu cả nước. Trải nghiệm đa dạng và trong thời gian dài ở cương vị lãnh đạo cao nhất tại một địa phương như vậy đã giúp Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có nhiều lợi thế trong kế hoạch nhân sự của các lãnh đạo cao cấp.

Nhưng ở số 2 Hoàng Văn Thụ, trụ sở của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiếc ghế Bộ trưởng là một câu chuyện khác. Với tính chất một “siêu bộ” lo cả phần “kế hoạch” và “đầu tư”, lại thêm mảng thống kê và một số nhiệm vụ khác, Bộ Kế hoạch Đầu tư là nơi có quá nhiều công việc cần giải quyết, đặc biệt là những công việc mang tính chất liên ngành.

Hai người tiền nhiệm là các ông Trần Xuân Giá và Võ Hồng Phúc đã ít nhiều chứng minh được vị thế và có tiếng nói uy tín trên chính trường. Nền kinh tế cũng đã đi một chặng dài trên hành trình “kinh tế thị trường”, khiến cho tính “kế hoạch” trong xây dựng và thực thi nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng đã mang một màu sắc khác. Trong khi đó, không như ở môi trường tỉnh, khi tiếng nói của bí thư tỉnh ủy rất có trọng lượng, môi trường mới với các mối quan hệ “liên ngành” khiến Bộ trưởng phải không ít lần đối mặt những sức ép mới.

Trước Quốc hội, tháng 10/2011, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có bài phát biểu về các vấn đề liên quan đến Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó cho đến nay, câu chuyện ổn định kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công… dường như chiếm trọn thời gian làm việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là của ông Bùi Quang Vinh. 

Đầu tư công đạt tới “đỉnh cao” trong giai đoạn 2006-2010, khiến cho tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP tăng lên mức trung bình 39%. Cho dù đã giảm xuống 33% trong năm 2011 và 30,5% trong năm 2012, nó vẫn được xem là một chỉ số “mất an toàn”. Trong bối cảnh đó, những khó khăn vất vả trong việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư công có thể coi là một điển hình về áp lực mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phải đối mặt. Như chính ông đã thừa nhận ở kỳ họp Quốc hội mới đây, rằng “quan điểm các bộ rất khác nhau, bộ nào cũng sợ Luật đầu tư công ra thì nó ảnh hưởng đến quyền của bộ mình, cho nên cứ muốn thế này thế kia, cho nên trong Chính phủ bàn là cũng không thống nhất, cứ lúc thì đồng ý đưa ra, lúc thì không đồng ý”.

Thông điệp dài hạn

Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 10/2011. Ý tưởng và giải pháp của chỉ thị này là dựa trên đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như là một lời tuyên chiến với tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí và nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Sau hai năm, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, dù chỉ mới ở mức chỉ thị nhưng văn bản này đã “ngăn chặn được rất nhiều đầu tư dàn trải và đã kiểm soát được tình hình nợ xây dựng cơ bản”, và về mặt điều hành, có thể coi đó là một thành công vì “nói thật với các đồng chí là trong 3 năm qua nó đổi thay nhiều lắm”. Nhưng theo ông, sẽ tốt hơn nếu Luật Đầu tư công ra đời như một công cụ “đánh trực diện” vào tình trạng này.

Ông Vinh thừa nhận, trải nghiệm “40 năm làm ở địa phương” khiến ông có thể chia sẻ với các lãnh đạo tỉnh thành về việc cần thiết phải có những dấu ấn riêng ngay trong nhiệm kỳ ngắn ngủi. Tuy nhiên, giờ là lúc tư duy, nhận thức và hành động phải thay đổi, theo đó phải có cái nhìn dài hạn và cách làm minh bạch.

“Đã đến thời điểm không thể để lung tung thế này được, có đồng chí mới lên làm chủ tịch tỉnh suy nghĩ rằng phải để dấu ấn cho cái nhiệm kỳ của mình vì 5 năm nữa mình nghỉ hưu rồi… suốt ngày tôi phải chịu áp lực những chuyện như vậy”, ông phát biểu và thừa nhận “không làm thì bảo không ủng hộ, các đồng chí đi xin chủ trương cấp trên, đồng ý tất, còn tôi đứng dưới không có tiền là vô cùng áp lực”.

Vẫn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi nói về Luật Đầu tư công đã kể rằng: “Có đồng chí vụ trưởng lâu năm nói với tôi, thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai phải đến Bộ Kế hoạch Đầu tư nữa?”.

Và ông trả lời: “Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng. Mọi người cần biết rằng, trong năm tới mình có bao nhiêu tiền, không có chuyện là đến bộ trưởng cũng không biết, bộ trưởng kế hoạch không biết, bộ trưởng các chuyên ngành giao thông, thủy lợi cũng không biết rồi chủ tịch tỉnh cũng không biết”.

Hồi đầu năm 2013, trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải “thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh của mình; bảo vệ những dự án đúng; kiên quyết bác bỏ những dự án không phù hợp; tránh dĩ hòa vi quý khi xem xét, cho ý kiến về các dự án, đề án lớn của nền kinh tế”. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần “khắc phục những bất cập trong việc cấp phép đầu tư, cấp vốn đầu tư, làm rõ có hay không cơ chế xin-cho, việc chạy dự án…”.

Câu chuyện “lấy đá ghè chân mình” của Bộ trưởng và yêu cầu của Tổng bí thư phần nào cho thấy, không chỉ phải đối mặt với áp lực từ các bộ ngành và địa phương, thông điệp minh bạch của Bộ trưởng còn phải đối mặt với chính áp lực từ những cán bộ dưới quyền, thậm chí là những “vụ trưởng lâu năm”, những người có lẽ đã quen với việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang là một cơ quan ban phát? 

Nhiều người hy vọng, với quyết tâm chính trị và tầm nhìn “đất nước này cần sự minh bạch”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sẽ thực sự để lại một dấu ấn đáng kể trong hành trình phát triển dài hạn của quốc gia, chứ không chỉ trong chính nhiệm kỳ bộ trưởng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate