January 28, 2022 | 07:33 GMT+7

Một năm khó khăn kép với nhà thầu xây dựng

Phan Nam -

Trong năm 2021, nhiều chủ đầu tư không vay được tiền ngân hàng để thanh toán nên có những nhà thầu xây dựng đang bị chủ đầu tư nợ tới hàng nghìn tỷ đồng. Từ đó, khiến cho tài chính của các nhà thầu rất khó khăn. Nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản, càng làm thì càng lún sâu vào công nợ…

Những khó khăn của thị trường xây dựng, bất động sản sẽ giảm nhiều trong 2022.
Những khó khăn của thị trường xây dựng, bất động sản sẽ giảm nhiều trong 2022.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy trước thềm Xuân mới, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) khẳng định tình trạng này sẽ được cải thiện trong 2022.

Thưa ông, nhiều doanh nghiệp cho biết trong năm 2021, đa phần các đơn vị xây lắp lao đao, bết bát bởi tác động của đại dịch Covid-19. Ông nghĩ sao về điều này?

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động xấu đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó lĩnh vực xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Với các nhà thầu xây dựng, họ không chỉ chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 như tất cả các doanh nghiệp khác mà riêng trong năm 2021, họ còn phải chống đỡ hai “cơn bão” giá vật liệu tăng cao chưa từng có. Cùng với sắt thép có lúc tăng đến 40% so với 2020, gần như giá cả tất cả các loại vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, đá, nhôm, kính... đều “leo thang”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà thầu. Các dự án bất động sản ngưng trệ, các nhà thầu khó tìm việc. Hơn nữa, trong tình trạng hiện nay, dù việc thì hiếm nhưng nhiều nhà thầu lại không dám nhận việc vì không có khả năng và biện pháp gì đối phó với “bão giá” tăng cao! 

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng khó khăn thường chỉ đến với những doanh nghiệp hạn chế về tiềm lực và chưa có uy tín trên thị trường?

Qua kiểm tra đánh giá số liệu của một số đơn vị lớn, có uy tín trong ngành thì mặc dù rất cố gắng khắc phục tình trạng phải ngưng việc (do giãn cách mất nhiều tháng) bằng những nỗ lực cao nhất để lấy lại thời gian đã mất nhưng hầu hết các nhà thầu chỉ đạt khoảng 75-80% chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, giá trị sản lượng của 2021 hoặc tương đương với kế hoạch của năm 2020. Ví như Delta, Fecon, Vinaconex; cá biệt chỉ có Newtecons là tăng cao hơn 2020 khoảng 20%. 

Tuy nhiên lại có những đơn vị đã tạo dựng được uy tín trên thị trường nhưng vẫn sụt giảm nhiều như Phục Hưng, doanh số xây lắp 2021 chỉ bằng 50% của năm 2020 hay Cotecons mục tiêu kế hoạch của năm 2021 là 17.500 tỷ đồng nhưng khả năng chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn rất nhiều so với 2020 và 2019.

Quan trọng hơn, đấy chỉ là những chỉ tiêu bề nổi. Còn vấn đề muôn thủa của các doanh nghiệp xây dựng vẫn là khả năng thanh toán của các chủ đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, điều này đã làm yếu sức cạnh tranh của hầu hết các doanh nghiệp xây dựng.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Bình thường, việc thanh toán của các chủ đầu tư đã luôn chậm trễ nhưng hiện nay do dịch bệnh, mạch tài chính của chủ đầu tư, nhất là các chủ đầu tư có vốn ngoài ngân sách bị đứt gãy, cộng với việc siết chặt tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát rủi ro nên khá nhiều chủ đầu tư bị tắc dòng tiền. Họ không vay được ngân hàng để thanh toán nên có những nhà thầu hiện đang bị chủ đầu tư nợ tới hàng nghìn tỷ đồng. Tình hình này khiến cho tài chính của các nhà thầu rất khó khăn. Nhiều nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản, càng làm lại càng lún sâu vào công nợ.

Chẳng lẽ trong hợp đồng giữa đôi bên không có điều khoản ràng buộc chặt chẽ về việc thanh toán, thưa ông?

Thực tế thì quy định về hợp đồng xây dựng còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn tới những bất lợi cho nhà thầu xây dựng.

 Trước thực tế đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam sau khi trao đổi, cân nhắc với nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng các điểm sau:

Thứ nhất, sớm sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể: chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán 35% cuối cùng của hợp đồng thi công. Công trình chưa ký được quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì dứt khoát chưa được phép đưa vào sử dụng, tránh tình trạng công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng nhiều năm mà hồ sơ quyết toán vẫn chưa ký được.

Thứ hai, thủ tục thanh quyết toán cho nhà thầu, đặc biệt đối với nguồn vốn ngân sách cần điều chỉnh đơn giản hóa các thủ tục và có quy định cụ thể về thời gian phải giải quyết cho từng bước.

Thứ ba, có biện pháp cụ thể để gỡ khó cho các nhà thầu trong việc chống đỡ với cơn bão tăng giá: Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng cần thường xuyên kiểm tra việc thông báo cập nhật đơn giá của các địa phương để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà thầu (hiện nay việc công bố thường chậm và lạc hậu so với đơn giá thực tế có nơi đến 10%). Một số vật liệu không chịu ảnh hưởng từ nguồn gốc nước ngoài nhưng vẫn bị lên giá. Các cấp cơ quan quản lý cần tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý cụ thể. 

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cần có giải pháp tháo gỡ cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định trong bối cảnh đơn giá vật liệu chung tăng quá 3% để tháo gỡ cho các nhà thầu. Cụ thể, đề nghị chỉ áp dụng hợp đồng thi công xây lắp hình thức đơn giá cố định hoặc hợp đồng trọn gói nếu thời gian thực hiện không quá 24 tháng để giảm bớt khó khăn cho các nhà thầu.

Thứ tư, về đấu thầu, cần xem xét điều chỉnh Luật Đấu thầu, phân biệt, tách bạch quy trình đánh giá xét thầu của các gói thầu xây lắp với các gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị. Đặc biệt cần kết hợp việc đánh giá giữa giá cả và các tiêu chuẩn kỹ thuật để thay thế cho phương pháp chỉ chọn giá thấp nhất nhằm tránh tình trạng phá giá gây bất ổn cho thị trường.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, thì thực tế còn cho thấy hoạt động của nhà thầu xây dựng gắn bó mật thiết với diễn biến của thị trường bất động sản. Theo ông, những yếu tố nào của thị trường này đang tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực xây dựng?

Có thể nói bất động sản là một ngành kinh doanh phải thực hiện các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Có lẽ vì bất động sản hiện nay chịu sự tác động của 12 luật khác nhau: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng …

Chính vì sự phức tạp chồng chéo này mà nhiều ý kiến từng đánh giá: các thủ tục bất động sản là một “ma trận” làm cho tốc độ triển khai các dự án bất động sản bị hạn chế rất lớn, làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển chung của cả nền kinh tế. Hiện nay Quốc hội, Chính phủ cũng đã nhìn thấy rõ vấn đề này, tuy nhiên để tháo gỡ được “ma trận” đó một cách hiệu quả không phải vấn đề làm được một sớm, một chiều. Hiện một số luật đang được soạn thảo, chỉnh sửa như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở... kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến tốt cho hoạt động của các bên tham gia thị trường.

Với những động thái trên, theo ông, thị trường xây dựng, bất động sản trong năm 2022 sẽ diễn biến ra sao? 

Tôi cho rằng những khó khăn của thị trường xây dựng, bất động sản sẽ giảm nhiều trong 2022, bởi trong năm tới, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương về công tác này.

Mà trên thực tế thì ngay từ cuối 2021, khi việc tiêm phòng vaccine được phổ cập rộng hơn, các địa phương dần nới lỏng giãn cách, thị trường xây dựng, bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc: hàng loạt dự án được khởi động trở lại, hàng hoá lưu thông dễ dàng hơn, giao dịch trên thị trường cũng nhộn nhịp hơn…

Hơn nữa, đến 2022, cùng với việc sửa đổi nhiều Bộ luật liên quan đến xây dựng, bất động sản, nhiều chính sách mới được ban hành, những vướng mắc về pháp lý sẽ phần nào được giải quyết. Qua đó giúp gia tăng nguồn cung dự án bất động sản, các nhà thầu xây dựng cũng sẽ có nhiều hợp đồng, nhiều công việc để triển khai.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate