December 21, 2021 | 12:15 GMT+7

Một người bán hàng livestream ở Trung Quốc bị phạt 210 triệu USD vì trốn thuế

Trang Linh -

Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc đối với một người bán hàng trực tuyến và thậm chí còn lớn hơn khoản phạt kỷ lục vì tội trốn thuế của nữ diễn viên Phạm Băng Băng năm 2018...

Huang Wei trong một buổi livestream - Ảnh: Bloomberg
Huang Wei trong một buổi livestream - Ảnh: Bloomberg

Theo thông báo trên trang web của Cơ quan thuế nhà nước Trung Quốc ngày 20/12, Huang Wei – còn được biết đến với tên Viya, là một người bán hàng livestream (phát video trực tiếp) nổi tiếng, bị buộc phải nộp 1,34 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 210 triệu USD) để nộp bù tiền thuế, phí nộp chậm và tiền phạt vì trốn thuế.

Cơ quan này cho biết Huang đã trốn thuế với số tiến tổng cộng 634 triệu Nhân dân tệ bằng cách che giấu thu nhập cá nhân và cung cấp thông tin sai lệch trong năm 2019 và 2020 để tránh phải nộp thuế.

Ngay sau khi án phạt được công bố, Huang đã lên tiếng xin lỗi qua tài khoản mạng xã hội Weibo, nói rằng cảm thấy “vô cùng tội lỗi”.

“Tôi hoàn toàn chấp nhận quyết định của cơ quan quản lý thuế và sẽ tích cực thu xếp tiền để nộp phạt trong thời hạn cho phép”, cô gái trẻ viết.

Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc đối với một người bán hàng trực tuyến như Huang - những người thường dành thời gian vào buổi tối để phát video trực tiếp và thuyết phục người dùng mạng chi hàng triệu USD để mua các mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng và quần áo. Huang là một trong những “ngôi sao” nổi tiếng nhất trong giới bán hàng livestream trên nền tảng Taobao của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.

Khoản phạt kỷ lục này là một trong những động thái quyết liệt trong chiến dịch siết chặt quản lý đối với những người có ảnh hưởng trên mạng internet thời gian gần đây của Chính phủ Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy Bắc Kinh đang chuyển sự chú ý sang lĩnh vực thương mại điện tử phát trực tiếp – lĩnh vực không phải đối mặt với nhiều quy định pháp lý những năm gần đây, nằm trong chiến lược thúc đẩy sự thịnh vượng chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tháng 9 năm nay, cơ quan quản lý thuế Trung Quốc tuyên bố sẽ siết chặt quản lý đối với người nổi tiếng và người bán hàng livestream.

Trước Huang, 2 người bán hàng livestream nổi tiếng khác có tên Zhu Chenhui và Lin Shanshan cũng bị phạt tổng cộng 15 triệu USD vì trốn thuế thu nhập cá nhân. Hiện tại, trang bán hàng Taobao và trang Weibo cá nhân của hai người này đã ngừng hoạt động.

Livestream –hình thức bán hàng mà Trung Quốc đi tiên phong – càng trở nên phổ biến kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo hãng nghiên cứu iiMedia, doanh thu bán hàng qua hình thức này tại Trung Quốc dự kiến đạt 1.200 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay, tăng so với mức chỉ 19 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2017.

Huang Wei là "ngôi sao" bán hàng quan livestream trên Taobao - Ảnh: Getty Images
Huang Wei là "ngôi sao" bán hàng quan livestream trên Taobao - Ảnh: Getty Images

Trong năm 2020, doanh thu từ bán hàng qua livestream của Huang đạt hơn 31 tỷ Nhân dân tệ - mức cao nhất trong số những người bán hàng tương tự tại Trung Quốc, theo trang công nghệ 36kr.com.

Khoản phạt dành cho Huang thậm chí còn lớn hơn khoản phạt đối với nữ diễn viên Phạm Băng Băng năm 2018 – khi Bắc Kinh khởi động chiến dịch siết kiểm soát với lĩnh vực giải trí trong nước. Nữ minh tinh này cùng các công ty của mình phải nộp tổng cộng 884 triệu Nhận dân tệ tiền nộp bù thuế và tiền phạt. Từ đó đến nay, Phạm Băng Băng gần như biến mất khỏi giới giải trí. Tại Trung Quốc, việc lĩnh án phạt từ chính quyền trung ương thường đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của một người nổi tiếng.

“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không có ‘siêu sao’ hay ‘người giàu có, 'người quyền lực’ nào cả. Không ai có thể coi thường pháp luật mà vẫn mong nhận được sự may mắn", hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho biết trong một bài bình luận về vụ việc của Phạm Băng Băng năm 2018.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate