March 15, 2024 | 08:26 GMT+7

Một nhánh hầm chui ở nút giao cửa ngõ Nam Sài Gòn sẽ thông xe tháng 7/2024

Thanh Thủy -

Sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, một nhánh hầm chui băng qua nút giao đường Nguyễn Văn Linh sẽ được thông xe vào tháng 7 năm nay giúp làm giảm áp lực ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam TP.HCM…

Nút giao Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) đã đóng để xây dựng hầm chui từ ngày 7/2/2024
Nút giao Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) đã đóng để xây dựng hầm chui từ ngày 7/2/2024

Vừa qua, Đoàn công tác do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh (Giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7).

Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định đây là công trình trọng điểm, có tác dụng tháo điểm nghẽn ùn tắc giao thông, giảm áp lực. Đồng thời, dự án giúp tạo thuận tiện hơn cho hoạt động của doanh nghiệp người dân, đảm bảo môi trường. Từ đó, làm cho chất lượng đời sống người dân nâng cao nên phải thực hiện với tinh thần cao nhất.

Báo cáo về tiến độ thi công hầm chui, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết một nhánh hầm băng qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dự kiến được thông xe vào cuối tháng 7 giúp giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Nam thành phố.

Theo ông Phúc, sau 4 năm triển khai, toàn dự án hiện đạt khoảng 60% khối lượng. Trong đó, gói thầu xây lắp số 2 xây dựng hầm chui HC2 (hướng từ quận 7 đi Bình Chánh) đạt 77%, dự kiến đơn vị sẽ cho thông xe vào cuối tháng 7. Nhánh hầm HC1 ở hướng ngược lại cùng toàn bộ hạng mục liên quan cũng được đặt mục tiêu hoàn thành cuối năm nay.

Cũng theo chủ đầu tư, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn trong điều kiện thi công ở khu vực có mật độ xe rất lớn. Đặc biệt sau khi nút giao được rào chắn toàn bộ từ ngày 7/2, tình hình giao thông thêm căng thẳng, cần nhiều lực lượng bao gồm cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đơn vị thi công... tăng cường điều tiết, hạn chế tối đa ùn tắc.

“Do vậy, một nhánh được thông xe trước sẽ giảm áp lực giao thông cho khu vực, đồng thời thuận lợi cho quá trình thi công các hạng mục khác. Hiện, công trường đã huy động hơn hơn 110 cán bộ, kỹ sư, công nhân, cùng hàng chục loại máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ. Nhiều hạng mục cũng được tổ chức thi công 3 ca trong ngày nhằm bám sát kế hoạch”, ông Phúc thông tin.

Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý đến chủ đầu tư tăng ca nhưng phải đảm bảo an toàn. Các lực lượng bảo vệ trật tự cố gắng phối hợp không để vướng mắc, ách tắc hoạt động. Đồng thời, phải lường trước phương án có thể xảy ra khi có bất ngờ, không để bị động.

“Cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp, khi có tình huống vượt ra khỏi thầm quyền thì báo cáo về sở chỉ huy, UBND thành phố để có thể tháo gỡ, không để vướng mắc phát sinh làm ảnh hưởng tiến độ”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết.

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh là công trình trọng điểm của TP.HCM được triển khai từ năm 2020 với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn một). Dự án gồm hai hầm ở mỗi chiều đường Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, 3 làn xe, vận tốc 60 km/h; phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ.

Dự án có nhiều vướng mắc trong khâu thủ tục di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên, sau khi được tổ giám sát Thành ủy, tổ công tác UBND Thành phố tập trung tháo gỡ, đến nay mọi vướng mắc đã được xử lý. Dự án giờ bước sang giai đoạn mới, chiếm dụng toàn bộ ngã tư để thi công cùng lúc 2 nhánh hầm chui.

Bên cạnh dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh, nhằm giảm áp lực giao thông khu vực phía Nam, kết nối hạ tầng khu vực cũng như thành phố, sắp tới sẽ triển khai dự án cầu - đường Nguyễn Khoái, nối quận 7, 4 và 1.

Đây là công trình dự kiến được thành phố khởi công cuối năm nay, giúp mở thêm hướng kết nối từ khu trung tâm qua Nam Sài Gòn, giảm ùn tắc cho các trục đường hiện hữu như đường Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ, Nguyễn Tất Thành - cầu Khánh Hội...

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, dài gần 5 km, trong đó phần cầu khoảng 2,5 km, rộng 6,5 - 25,5 m; phần đường dài hơn 2,3 km, rộng 26,5 - 61,5 m. Công trình bắt đầu từ đường D1 (kết nối Đại Học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), sau đó phần cầu chính vượt Kênh Tẻ bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái. Cầu tiếp tục vượt rạch Bến Nghé nối vào đường Võ Văn Kiệt, quận 1.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate