March 21, 2016 | 04:40 GMT+7

Một nhiệm kỳ Quốc hội, hai lần bầu nhân sự cấp cao

Nguyễn Lê

Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo

Tháng 8/2011, Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 ra mắt trước Quốc hội khoá 13. Ngày 21/3/2016, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Tháng 8/2011, Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 ra mắt trước Quốc hội khoá 13. Ngày 21/3/2016, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Dù đã có tiền lệ thì việc hai lần bầu nhân sự cấp cao nhất của Nhà nước vẫn là một điều đặc biệt của Quốc hội khoá 13.

“Động lực mới, khí thế mới”

Sáng 21/3, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá 13 sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp mới nhất, quy trình làm nhân sự sẽ bắt đầu từ 10h30 sáng 30/3 và kết thúc vào sáng 12/4.

Như thế là có đến hơn một nửa thời gian của kỳ họp được dành cho việc xem xét và quyết định nhân sự.

Chiều 18/3, chủ trì họp báo trước thềm kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trả lời câu hỏi của VnEconomy, đã cho biết “có rất nhiều nhân sự, cả bên phía Chính phủ” được kiện toàn.

Dự kiến chương trình cụ thể  cũng cho thấy, bên cạnh ba chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, nhân sự được trình ra Quốc hội miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn còn có Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, một số phó chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch nước, phó thủ tướng.

Đây là những chức danh đã được chính Quốc hội khoá 13 bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, tháng 7/2011.

Và theo thông lệ thì mỗi nhiệm kỳ Quốc hội thường chỉ bầu các chức danh này một lần, vào kỳ họp thứ nhất của khoá  mới.

Lần này, việc bầu mới “rất nhiều nhân sự” được giải thích là sau Đại hội Đảng 12, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Và, nếu đến tháng 7, khi Quốc hội khoá 14 tiến hành phiên họp đầu tiên mới kiện toàn nhân sự, thì thời gian là tương đối dài, trong khi cần tạo động lực mới và khí thế mới để thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 ngay từ năm đầu tiên. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc kiện toàn nhân sự cấp cao trong cùng nhiệm kỳ cũng đã từng có tiền lệ.

Đã xem xét cẩn trọng

Tuy nhiên, Quốc hội khoá 13 cũng không thể làm thay nhiệm vụ của Quốc hội kế nhiệm.

Bởi, Luật Tổ chức Quốc hội quy định, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch, phó chủ tịch và các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá trước.

Các vị này đương nhiên phải là đại biểu Quốc hội khoá mới.

Một số chức danh như Chủ tịch nước, Thủ tướng của nhiệm kỳ mới cũng được bầu trong số các vị đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ đó.

Mà phải đến tận ngày 22/5/2016, cử tri cả nước mới bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình ở Quốc hội khoá 14.

Bởi thế, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7/2016, Quốc hội vẫn phải dành đủ thời gian để xem xét, quyết định nhân sự theo luật.

Việc này từng khiến một số vị uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đương nhiệm băn khoăn, rằng tháng 4 bầu, tháng 7 lại bầu, thì có cần thiết hay không?

Nhưng, như giải thích của Phó tổng thư ký Lê Minh Thông tại cuộc họp báo chiều 18/3, thì Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, ngay sau Đại hội 12.

Tất nhiên, quy trình nhân sự cũng mới chỉ nằm ở dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các vị đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, việc biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thường chỉ là thủ tục, gần như không có thay đổi gì về cả nội dung lẫn thời gian.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate