Tờ SCMP mới đây dẫn lời một quan chức trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết việc nước này kêu gọi thúc đẩy “thịnh vượng chung” nhằm giảm chênh lệch giàu nghèo không có nghĩa là “giết người giàu để giúp người nghèo”.
Chia sẻ tại một cuộc họp báo ngày 26/8, ông Han Wenxiu, quan chức tại Ủy ban Các vấn đề tài chính và kinh tế trung ương thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết nước này cũng sẽ phải “đề phòng rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa vị kỷ”.
“Những người ‘giàu trước’ nên giúp đỡ những người phía sau, nhưng cũng cần khuyến khích họ làm việc chăm chỉ”, ông Han nói. “Chúng ta không thể chờ đợi được giúp đỡ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác hay cầu xin sự giúp đỡ. Chúng ta không thể giúp những người không chịu làm việc”.
Tại một cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ bảo vệ thu nhập hợp pháp của người dân nhưng “sẽ điều chỉnh một cách hợp lý thu nhập quá mức”. Bắc Kinh cũng khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
“Việc quyên góp từ thiện nên được khuyến khích thông qua các chính sách thuế. Và việc này có thể cải thiện cấu trúc của việc phân phối (tài sản)”, ông Han cho biết. “Quyên góp không phải là điều bắt buộc”.
Sự thay đổi chính sách này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh siết quản lý đối với các hãng công nghệ lớn, đặc biệt là các đế chế công nghệ khổng lồ.
Theo ông Han, những biện pháp chấn chỉnh các nền tảng Internet gần đây là nhằm vào các hành vi bất thường và bất hợp pháp, “tuyệt đối” không nhằm vào đối tượng là các công ty tư nhân và công ty nước ngoài.
Theo dữ liệu của Bloomberg News, giữa lúc ông Tập Cận Bình thúc đẩy sự “thịnh vượng chung”, 7 tỷ phú Trung Quốc đã quyên góp số tiền kỷ lục 5 tỷ USD từ đầu năm nay, tăng 20% so với tổng số tiền quyên góp của các cá nhân và doanh nghiệp trong cả năm 2021.
Thống kê của Bloomberg cho thấy Chủ tịch Trung Quốc đã đề cập tới mục tiêu “thịnh vượng chung” 65 lần trong các bài phát biểu và cuộc họp từ đầu năm 2021, nhiều gấp đôi so với năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, dù chưa rõ hàm ý chính sách của chiến dịch này như thế nào, nhưng tại Trung Quốc, “thịnh vương chung” được hiểu là phân bổ lại tài sản, các cá nhân và tổ chức quyên góp từ thiện nhiều hơn, bên cạnh sự can thiệp của chính phủ.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng ý tưởng về một “bàn tay xã hội” sẽ dựa trên nghĩa vụ đạo đức và kỳ vọng của xã hội để truyền cảm hứng cho những người giàu nhất, để họ cho đi một phần tài sản của mình.
Nhiều đại gia công nghệ cũng đã cam kết kết dành lợi nhuận hiện tại và trong tương lai của công ty đầu tư cho các dự án từ thiện.
Đầu tuần này, “đế chế” Internet khổng lồ Tencent cam kết trao tặng 50 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 7,7 tỷ USD) nhằm hỗ trợ thu nhập cho người nghèo, giải quyết bất bình đẳng giáo dục, và một số sáng kiến khác.
Trong khi đó, hãng thương mại điện tử Pinduoduo cam kết trao tặng toàn bộ 372 triệu USD lợi nhuận mà công ty đạt được trong quý 2 năm nay. Số tiền này sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và các vùng nông thôn Trung Quốc. Pinduoduo cũng dự kiến đóng góp tổng cộng 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ UD) cho các lĩnh vực này.
“Sẽ còn nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục lập các quỹ đóng góp cho xã hội nếu như họ chưa làm vậy. Do đó, quy mô của các khoản quyên góp sẽ còn tăng hơn nữa”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại Trung Quốc Đại lục của ING, cho biết nhận định hồi đầu tuần. “Các doanh nghiệp cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội. Họ phải đi trước các cơ quan quản lý ”.