Sự hiện diện của tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ tại Xứ sở vạn đảo khẳng định tham vọng mở rộng thị phần vào Đông Nam Á của hãng trong bối cảnh nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng, nền kinh tế kỹ thuật số khu vực trên đà phát triển mạnh, theo Tekedia.
Theo Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Indonesia Budi Arie Setiadi, trung tâm mới có trụ sở tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java. Ngoài ra, Nvidia sẽ hợp tác với công ty viễn thông Indosat Ooredoo Hutchison nhằm củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và nhân tài kỹ thuật số địa phương.
Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Tin học Nezar Patria khẳng định: “Kết quả hợp tác mang tính chiến lược, chúng tôi hy vọng sự chuyển giao công nghệ không chỉ dừng lại ở sản xuất, mà sau này có thể giúp Indonesia trở thành một trong những trung tâm AI lớn ở cả khu vực và thế giới”.
NỖ LỰC CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG
Tháng trước, Indosat tuyên bố đã sẵn sàng tích hợp kiến trúc GPU Blackwell từ Nvidia vào cơ sở hạ tầng hiện tại, kỳ vọng đưa Indonesia bước sang kỷ nguyên hoàn toàn mới về trí tuệ nhân tạo và tiến bộ công nghệ.
Kế hoạch mới nhất của Nvidia, thành lập Trung tâm AI trị giá 200 triệu USD ở Indonesia, cho thấy gã khổng lồ công nghệ có thể sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á bằng một số mối quan hệ đối tác chiến lược khác.
Vào tháng 2/2024, Singtel, công ty viễn thông đến từ Singapore, đã công bố hợp tác với Nvidia nhằm triển khai trí tuệ nhân tạo trong các trung tâm dữ liệu của hãng trên khắp Đông Nam Á.
Phần cứng Nvidia cung cấp năng lượng cho tất cả trung tâm dữ liệu của Singtel. Công ty coi đây là “tài nguyên quốc gia có chủ quyền”, tạo điều kiện cho hầu hết startup địa phương và cơ quan chính phủ ứng dụng nhiều giải pháp AI.
Singtel tiết lộ rằng sáng kiến mới sẽ cung cấp cho doanh nghiệp trong khu vực quyền truy cập và sử dụng sức mạnh tính toán tiên tiến của AI mà không cần đầu tư hay sở hữu cơ sở hạ tầng về dữ liệu riêng.
“THIÊN ĐƯỜNG MỚI” CỦA AI GỌI TÊN ĐÔNG NAM Á
Đáng chú ý, Đông Nam Á được chứng minh mang lại nguồn doanh thu lớn cho Nvidia. Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ năm ngoái, khoảng 15% (tương đương 2,7 tỷ USD) doanh thu công ty trong quý III/2023 (tính đến hết tháng 10/2023) đến từ Singapore. Doanh thu từ quốc đảo Đông Nam Á tăng 404%, so với mức doanh thu 562 triệu USD được ghi nhận cùng kỳ năm trước.
So với quốc gia khác, Singapore chỉ xếp sau Hoa Kỳ (34,77%), Đài Loan (23,91%) và Trung Quốc (22,24%) trên bảng xếp hạng doanh số quý III của Nvidia. Theo báo cáo thu nhập hàng quý mới nhất, các trung tâm dữ liệu chiếm phần lớn doanh thu của hãng, tạo ra 18,4 tỷ USD nhờ sức hấp dẫn AI trên toàn cầu.
Cụ thể, tại Đông Nam Á, các khoản đầu tư cho giải pháp AI được dự đoán sẽ tăng từ 174 triệu USD năm 2022 lên 646 triệu USD vào năm 2026. Thị trường lĩnh vực công nghệ này được dự đoán có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 40,8% từ năm 2021 đến năm 2026.
Việc áp dụng nền tảng AI trong khu vực chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu cải thiện năng suất nhân viên, đẩy nhanh quá trình giới thiệu sản phẩm mới và nâng cao khả năng quản lý rủi ro.
Ông Lian Jye Su, nhà phân tích trưởng tại Omdia, nhận định AI tạo sinh sẽ phát triển mạnh mẽ trong khu vực thông qua nỗ lực của Nvidia hỗ trợ các địa phương.
“Giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang đã ủng hộ khái niệm ‘chủ quyền AI’ và tôi nghĩ nó đã xuất hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, sau đó sẽ đến Ấn Độ, Indonesia, Singapore và có thể cả Việt Nam”.
Nhà phân tích nhận định AI tạo sinh ở Châu Á và Châu Đại Dương có thể nhìn nhận từ hai góc độ.
"Đầu tiên là về chủ quyền AI tạo sinh. Các quốc gia Châu Á và Châu Đại Dương mong muốn theo kịp tiến bộ AI mà không phải hy sinh sự ổn định và an ninh quốc gia. Do đó, phát triển và triển khai AI tạo sinh bằng cách sử dụng dữ liệu, cơ sở hạ tầng và mô hình cục bộ đang trở thành phương pháp phổ biến".
"Thứ hai là khả năng tiếp cận một số giải pháp AI tạo sinh. Các nước Châu Á và Châu Đại Dương rất đa dạng về sắc tộc và văn hóa, nhiều nước vẫn được coi là nền kinh tế đang phát triển. Hầu hết giải pháp AI tạo sinh hiện nay được thiết kế bằng ngôn ngữ và dữ liệu từ phương Tây, có thể chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nhất định trong xã hội phù hợp với kiến thức và khả năng truy cập kỹ thuật số đương đại. Do đó, đa số quốc gia khuyến khích hệ sinh thái trong nước phát triển mô hình dành riêng cho ngôn ngữ, văn hóa và thói quen bản địa".