Chương trình năm nay sẽ tôn vinh những bước tiến vượt bậc và sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang Việt Nam kể từ khi chương trình Tuần Lễ Thời Trang Quốc Tế Việt Nam ra đời. Hàng loạt các nhà thiết kế tên tuổi đã xác nhận tham gia, như Thuỷ Nguyễn, Võ Công Khanh, Vũ Việt Hà, Hà Linh Thư… Cùng với đó là sự hiện diện của các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế như LEI by Chung Chung Lee (Hàn Quốc), Frederick Lee (Singapore), Giovanna Costa (Italy), CEM by Lê Minh Ngọc, Mr Crazy & Lady Sexy...
Trong những năm gần đây, hòa theo dòng chảy xu hướng chung của thời trang thế giới, Aquafina Vietnam International Fashion Week đã và đang hướng đến việc phát triển bền vững cho thời trang Việt Nam. Chủ đề này đã được chương trình khai thác với nhiều góc độ khác nhau, thông qua các bộ sưu tập sử dụng nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu tái chế từ tơ sen, thân tre, vỏ hàu, chai nhựa, hay khuyến khích việc gìn giữ các yếu tố văn hóa trong thời trang.
Ở cột mốc kỷ niệm này, NTK Võ Công Khanh sẽ là nhà thiết kế mở màn, với bộ sưu tập đặc biệt “Kiệt tác của nước” mang thông điệp bền vững, đại diện cho sự hồi sinh thông qua việc tận dụng các vật liệu dư thừa để tái tạo. Trong khi đó, người đảm nhận vị trí kết màn cho chương trình năm nay là NTK Vũ Việt Hà – người đã dành nhiều tâm huyết cho chất liệu tự nhiên của Việt Nam - với bộ sưu tập “Cô ấy là ai”.
Nói về mục tiêu bền vững, trên thị trường thời trang thế giới, có thể nói những nỗ lực tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu khả quan cho thấy nhận thức của người trong nghề và người tiêu dùng đã bắt đầu thay đổi. Những năm qua, các chất liệu tưởng chừng phải bỏ đi vì không còn giá trị đã được các nhà thiết kế trẻ tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo và tận dụng triệt để.
Như bã cà phê kết hợp với vi nhựa tái chế đã trở thành một loại vải có khả năng khử mùi cơ thể, độ thấm hút cao, mềm mại và an toàn cho da; vải sợi hàu được kết hợp từ rác nhựa và bột vỏ hàu ứng dụng công nghệ nano hóa, chống tĩnh điện, chống nắng, nhanh khô; vải sợi sen có thể tự làm sạch bề mặt, chống nắng… Các chất liệu này cũng dễ dàng phân hủy hơn so với sợi tổng hợp, từ đó giảm khả năng gây hại cho môi trường.
Không phải ngẫu nhiên mà "Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam 2023" diễn ra vào trung tuần tháng 11/2023 lại mang chủ đề "Shaping the future - Kiến tạo tương lai" nhằm tôn vinh nguồn nguyên liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường. Trước đó, vào tháng 7, Tuần lễ thời trang Xuân Hè với sự tham gia của 18 nhà thiết kế cũng đã đi theo xu hướng này. Tiêu biểu như BST "Hoa trên sóng nước" của NTK Lê Thanh Hòa được ban tổ chức lựa chọn mở màn đều được sản xuất từ các chất liệu thân thiện môi trường như lục Mã Châu, organza, taffeta, sợi cọ raffia…
Còn tại Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2022, khá nhiều bộ sưu tập mang thông điệp ý nghĩa và giàu giá trị nhân văn bằng việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như tái chế từ sợi hoa sen, vỏ hàu, bã cà phê, sợi sen được pha trộn với chất liệu nhựa… nhưng vẫn đậm sắc màu thời trang và công dụng ưu việt.
Mới đây, hãng thời trang La Phạm đã vinh dự góp mặt trong chương trình thời trang bền vững lớn nhất tại Thụy Sỹ - UN - DRESS. Tại khuôn khổ "Tuần lễ thời trang New York", hai NTK là Huỳnh Hải Long và Đặng Thế Huy đã trình diễn BST "Hồi sinh" với việc sử dụng các chất liệu tái sinh thân thiện với môi trường. Tháng 9/2023, tại "Tuần lễ thời trang London" Faslink và Tsafari đã tới mang những sản phẩm thời trang xanh với thiết kế độc đáo và thu hút sự quan tâm của giới yêu thời trang thế giới. Đó là bộ sưu tập dùng nguyên liệu từ vải sợi len với thành phần collagen giúp dưỡng ẩm da và tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng...
Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế sử dụng thời trang xanh vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng công tác quảng bá về thời trang xanh, thời trang bền vững cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa. Một trong những vấn đề tồn tại ở xu hướng thời trang bền vững đó là giá thành cao, việc sử dụng các chất liệu thân thiện môi trường cũng là thách thức không nhỏ với nhà thiết kế hay đơn vị sản xuất vì đòi hỏi sự cầu kỳ trong sử dụng, bảo quản. Chất liệu này khô cứng hoặc mềm mại tự nhiên nên phải tính toán rất kỹ để khắc phục hạn chế như dễ rạn, rách, ít co giãn…
Có thể nói, thông điệp bền vững không chỉ tôn vinh những bước tiến vượt bậc và sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang Việt Nam trong suốt mười năm qua, mà còn khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của ngành thời trang Việt trên bản đồ thời trang quốc tế. Do đó, chương trình năm nay sẽ là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, ghi nhận những thành tựu đáng tự hào của các nhà thiết kế, người mẫu, và những người làm trong ngành thời trang Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là bước ngoặt để mở ra những bước tiến mới, sáng tạo và định hình tương lai cho thời trang Việt. Theo đó, như một trong những hoạt động đầu tiên trên hành trình phát triển nền thời trang Việt, ban tổ chức chương trình sẽ thành lập và cho ra mắt Hiệp hội thời trang Việt Nam trong thời gian tới.
Như chia sẻ của bà Trang Lê, Chủ tịch Hiệp hội các NTK thời trang Đông Nam Á (CAFD) kiêm chủ tịch Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam "mong muốn lan tỏa tinh thần phát triển thời trang bền vững. Đây không chỉ là một xu hướng mà còn là tương lai của thời trang Việt Nam". Ưu tiên sử dụng chất liệu tự nhiên là điều tất yếu bởi không chỉ hòa nhịp với dòng chảy của thời trang thế giới mà còn nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.